Để giúp bà con nông dân nắm vững và thực hành nghề nông một cách khoa học, hiệu quả, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Nghệ An hơn một năm nay đã triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lớp học được mở rộng ở các vùng miền trong tỉnh, bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định.
Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" và Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cùng với nguồn kinh phí được hỗ trợ cho đào tạo là 4 tỉ đồng, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Nghệ An đã triển khai sâu rộng các lớp đào tạo nghề ở cơ sở.
Ngành nghề đào tạo bao gồm các nghề nông (phổ biến là trồng chè, trồng nấm, mía, cam, trồng rau sạch, nuôi gia súc, gia cầm) dựa trên nhu cầu học tập của lao động nông thôn và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi ở các vùng miền khác nhau.
Trước đây, cán bộ khuyến nông đều có chương trình tập huấn khuyến nông, nhưng thời gian ngắn, lại không thể truyền đạt khối lượng kiến thức cần thiết về các nghề đáp ứng mọi nhu cầu khác nhau của bà con nông dân khu vực nông thôn.
Với mục tiêu đào tạo sâu và đa dạng các nghề nông từ nhu cầu học tập thiết thực của lao động nông thôn, năm 2011, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với các địa phương mở 49 lớp học, có hơn 1.400 học viên tham gia học ở 9 nghề.
Thời gian đào tạo cho từng nghề trung bình 2 tháng, tính theo thời gian thực dạy. Qua khảo sát đánh giá, thì khoảng 90% học viên có thể áp dụng được ngay công việc sau học nghề. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, do vậy đây là một công việc rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng, Nhà nước ta đang tiến hành công cuộc xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp và hiệu quả hơn.
Trồng nấm, một nghề được xem là hiệu quả hiện nay ở nông thôn
Ông Cao Xuân Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh cho biết: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một định hướng đúng đắn trong xây dựng và phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt cho những địa phương xây dựng nông thôn mới. Bởi vì nó góp phần rất lớn vào giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập...”.
Theo nghề, nhóm nghề, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh đã cố gắng biên soạn tài liệu, chuyên đề giảng dạy phù hợp với thực tiễn công việc nhà nông. Mục tiêu chung là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng mục đích cuối cùng là đào tạo người nông dân trở thành nhà nông giỏi, trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, nâng cao giá trị thu nhập và làm giàu bằng nghề nông.
Để đánh giá ngay hiệu quả của đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chưa thể, bởi thời gian đào tạo các lớp mới chỉ thực hiện trong năm 2011. Nhưng theo khảo sát bước đầu, khoảng 70% người lao động qua đào tạo nghề đã bắt tay vào làm nghề.
Để khuyến khích việc học nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cũng cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ thêm cho người học nghề. Bởi hiện nay, chỉ có đối tượng nhóm 1 là nhóm hộ nghèo, có công, mới được hỗ trợ; còn nhóm 2 cận nghèo chưa được hỗ trợ, người nông dân cần sự hỗ trợ bởi vì họ còn rất nhiều khó khăn...
Tiếp tục bám sát các Quyết định của Chính phủ, UBND tỉnh, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Nghệ An đang mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo chiều hướng này, thì người dân khu vực nông thôn, nông nghiệp sẽ tiếp cận nhanh và vững chắc kiến thức KHKT làm nền tảng cho nghề trồng trọt, chăn nuôi phát triển hiệu quả.
Đó là cái dễ mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh làm được. Nhưng còn cái khó khăn lớn nhất hiện nay đối với lao động nông thôn sau khi đào tạo nghề là họ đang thiếu nguồn vốn đầu tư vào trồng trọt, đầu tư làm chuồng trại, mô hình chăn nuôi...
Điều này lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng nói chung. Cho nên không chỉ đào tạo nghề cho họ xong là được. Mà điều quan trọng là chính quyền huyện, xã và các tổ chức đoàn thể cần phối hợp với các tổ chức tín dụng, có trách nhiệm, tạo điều kiện cho người lao động nông thôn và bà con nông dân nói chung được vay vốn thuận lợi để đầu tư vào nghề của mình. Có như vậy thì việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới được xem là có hiệu quả bước đầu.
Dương Cầm
.