Mô hình này đang trở thành một nghề giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn ở đây và mở ra một hướng làm giàu mới cho người nghèo, thiếu đất sản xuất.
Người dân ở Con Cuông, ngoài công việc đồng áng thì nuôi cá lồng là nghề cho thu nhập chính. Bởi những gia đình này sống ven sông Lam và có kinh nghiệm sông nước nên có điều kiện hơn để phát triển nghề nuôi cá lồng. Nhà ít thì có 1 lồng còn nhà nhiều thì 3 đến 4 lồng cá.
Trò chuyện với già Thanh hồi lâu, trời xế trưa, cũng là lúc con trai, con dâu của già từ bến sông trở về nhà. Già có 3 người con trai đều nối nghiệp chài lưới của cha nên già tự hào lắm. Chỉ riêng đại gia đình già Thanh đã có 3 lồng cá, nên ai nấy đều tập trung cho công việc trông nom, chăm sóc cá, chỉ đến bữa cơm cả nhà mới quây quần tụ họp.
Sau bữa ăn trưa với gia đình già Thanh, để được chứng kiến tận mắt cách chăm sóc cá lồng của người dân ở đây, chúng tôi theo các con của già Thanh ra bến.
Anh Quý, con trai cả của già Thanh giới thiệu, những loài cá được nhiều hộ dân nuôi tại sông Lam là cá lóc, rô phi, cá trắm… Đây là những loài cá phát triển rất nhanh, chỉ trong 4 - 6 tháng có thể thu hoạch, lại được giá. Giống cá trắm cỏ ăn tạp, từ lá sắn, cỏ voi cho đến lá chuối, rơm tươi cho ăn đến đâu là hết liền cho nên sau một năm nuôi, cá trắm đạt trọng lượng khoảng 3,5kg đến 5 kg/con. Với giá bán từ 60.000 đến 70.000 đồng/kg.
Theo anh Quý, mỗi lần thả cá giống thì phải treo hỗn hợp lá xoan, vôi và lá cây hy thiêm thảo ở ngay đầu lồng cá theo hướng nước chảy xuôi, kết hợp với thuốc khử trùng làm sạch lồng cho cá để tránh nấm, vi khuẩn sinh bệnh thì coi như tạm ổn.
Mỗi lồng cá anh làm bằng sắt, diện tích khoảng 8m2 đến 12m2. Đầu tư cho mỗi chiếc lồng sắt như vậy từ 8 triệu đồng. Lồng sắt có độ bền cao mà dễ vệ sinh lồng hơn so với lồng tre, còn làm lồng bằng tre hơn 1 triệu đồng nhưng độ sử dụng không được lâu nên các gia đình làm nghề nuôi cá lồng ở đây đang dần chuyển sang làm lồng sắt.
Nghề nuôi cá lồng ở xã Lạng Khê, huyện Con Cuông mang lại lợi nhuận cao và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Anh Quý tâm sự, nghề nuôi cá lồng chẳng khác nào người phụ nữ chăm con mọn, cứ lơi là có khi mất sạch cả đàn cá. Suốt mấy chục năm sông nước, anh chỉ về nhà khi đến bữa cơm, còn lại anh dành thời gian cho cái nghiệp nuôi cá của mình.
Hiện nay, nuôi cá trong lồng dọc bờ sông Lam được xem là mô hình mới không chỉ riêng huyện Con Cuông mà còn ở một số huyện khác trong tỉnh. Đa số mô hình nuôi cá lồng, cá bè trên sông Lam là tự phát, có những hộ nuôi với quy mô rất lớn từ 5 đến 10 lồng trong một bè, một số hộ chỉ nuôi vài lồng để tăng thêm thu nhập. Lợi nhuận từ nuôi cá lồng đã thu hút toàn bộ cư dân vạn chài ở Con Cuông đầu tư nuôi cá.
Hiện tại, Con Cuông có gần 100 lồng cá các loại. Bình quân mỗi lồng cá thả khoảng 200 con, sau một năm đem về cho ngư dân xấp xỉ khoảng 70 triệu đồng. Khoản thu nhập này cao gấp hàng trăm lần so với nghề đánh bắt cá trên sông. Chính vì vậy cho đến nay, phong trào nuôi cá lồng đã phát triển khá mạnh tại các tuyến sông lớn trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ dân thu nhập hàng chục triệu đồng/năm nhờ nghề này.
Ngoài việc du nhập thêm một nghề mới, mô hình nuôi cá lồng đã góp phần chuyển đổi ngành nghề cho hàng trăm hộ dân có được nguồn thu nhập ổn định. Về phương diện xã hội, nghề nuôi cá lồng đã ''níu giữ'' được hàng trăm cư dân khỏi phải phiêu bạt mưu sinh, lênh đênh theo dặm dài sông nước. Bước đầu hình thành vùng nuôi cá lồng tập trung mang tính hàng hoá, giúp cho đời sống bà con nông dân trên địa bàn được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng TNMT huyện Con Cuông, người dân cũng không nên nuôi cá tràn lan trên các tuyến sông, vì có thể gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của cá, thậm chí có thể gây thua lỗ không nhỏ.
Trường Khuyên - Lang Hường
.