Châu Thôn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Quế Phong. Với diện tích tự nhiên hơn 6.300ha đất rừng và hàng tram ha rừng trồng keo, bạch đàn, lát hoa, xoan và các loài cây ăn quả như nhãn, vải, xoài, bưởi, chanh leo. Đây là nguồn cung cấp thức ăn dồi dào, phong phú và đa dạng cho ong làm mật. Song tiềm năng thế mạnh này lâu nay chưa được chú ý khai thác để góp phần xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Anh Lô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thôn cho biết: Nghề nuôi ong ở địa phương đã có từ lâu, nhưng trước đây chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Sản phẩm mật ong thu được chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình, ít khi mang ra trao đổi, buôn bán. Nguồn con giống là ong rừng bắt về thuần hóa, nhưng do nuôi không có kỹ thuật nên có lúc ong bị bệnh chết hàng loạt hoặc bỏ tổ kéo cả đàn bay về rừng, khiến người nuôi trắng tay.
Từ năm 2011 đến nay, Châu Thôn được dự án tăng cường tiếng nói của người dân tộc thiểu số do Chính phủ Hà Lan và tổ chức Ai Xi tài trợ. UBND xã Châu Thôn đã chọn xóm Bản Lằm xây dựng mô hình thí điểm nuôi ong. Bà con không những được tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật về nuôi ong mà còn được đi thăm quan, học tập kinh nghiệm một số cơ sở nuôi ong chuyên nghiệp ở Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, sau đó mỗi hộ được giao nhận nuôi thử nghiệm từ 2 - 3 đàn ong để phát triển đàn, nhân rộng. Đến nay mô hình này đang phát huy hiệu quả, thu nhập từ mật ong đã mang lại lợi nhuận lớn.
Từ khi được dự án hỗ trợ, bà con đã biết cách nuôi ong trong thùng gỗ đóng bằng ván cưa mỏng. Mỗi thùng có từ 3 - 4 cầu, khi lấy mật người ta dùng phương pháp quay ly tâm làm cho mật văng ra hết mà không làm ảnh hưởng đến cầu ong và ấu trùng ong. Bình quân mỗi cầu thu được 1 chai mật, mỗi năm thu hoạch từ 3 - 4 lần/ 1 tổ.
Như vậy, mỗi tổ ong trong một năm sẽ thu hoạch được từ 10 - 12 chai mật, với giá bán tại gia đình là 200.000 đồng/chai thì mỗi tổ ong sẽ thu được hơn 2 triệu đồng/năm. Đây là một nguồn thu lớn đối với đồng bào dân tộc miền núi vẫn còn rất khó khăn như hiện nay, trong khi nuôi ong chẳng tốn công sức là bao. Có thể nói nghề nuôi ong ở Châu Thôn đã thực sự góp phần xóa đói giảm nghèo, mở ra triển vọng mới về phát triển kinh tế tại địa phương.
Ông Lữ Đình Thi - Chủ tịch huyện Quế Phong thăm mô hình nuôi ong ở xã Châu Thôn
Theo kinh nghiệm của bà con nuôi ong ở Châu Thôn cho biết: Mùa lấy mật thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 6 và tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm. Thời gian còn lại phải tập trung củng cố đàn ong, phòng trừ dịch bệnh và cung cấp thức ăn cho ong, vì thời gian từ tháng 7, tháng 8 và tháng 11 tháng 12 âm lịch thời tiết xấu, là mùa mưa và mùa Đông nên nguồn thức ăn khan hiếm.
Được biết, hầu hết đàn ong đang nuôi lấy mật ở Châu Thôn do dự án cung cấp có nguồn gốc từ Nghĩa Đàn. Đấy là loài ong nội được thuần hóa, có đặc tính cần cù, chăm chỉ, khỏe mạnh, ăn ít, dễ nuôi, đỡ công di dưỡng, năng suất mật khá cao. Mật ong ở Châu Thôn có mùi hương thơm đặc trưng của các loài hoa núi rừng vùng cao gió Lào, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Đặc biệt, vào dịp Lễ hội Đền Chín Gian năm 2012 vừa qua, lần đầu tiên mật ong Châu Thôn được mang ra trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại gian hàng về thành tựu phát triển kinh tế huyện Quế Phong, đã nhận được sự tin tưởng về chất lượng của người dân và du khách mua làm quà.
Sản phẩm mang ra trưng bày đã không đủ để bán. Hiện nay, xã Châu Thôn có 18 hộ nuôi với khoảng 50 đàn ong, trong đó hộ nuôi nhiều nhất từ 5 - 10 đàn, cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/năm như hộ anh Vi Văn Hoài, Vi Văn Bính, Vi Văn Châu.
Ông Lữ Đình Thi - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Từ thực tế hiệu quả nghề nuôi ong ở Châu Thôn, huyện Quế Phong xác định đây là một trong những hướng đi chính nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương.
Sắp tới, huyện sẽ tạo điều kiện cho các hộ nuôi ong duy trì, phát triển đàn, nhân rộng ra trong phạm vi toàn xã để xây dựng HTX nuôi ong chuyên nghiệp, cũng như tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm mật ong. Khi đã phát triển đến quy mô lớn, huyện sẽ đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng mật ong để khẳng định thương hiệu sản phẩm mật ong Quế Phong đến với người tiêu dung trong nước.
Lao Thanh Chương
.