Về nơi đồ điện lắp rồi... để đó
Chúng tôi đến các xóm 1, xóm 7 và xóm 8 của xã, người dân nơi đây như muốn “trút” hết những điều nhức nhối về thực trạng nguồn điện thắp sáng của họ trong suốt hàng chục năm qua. Quả thật, giữa trưa nắng hè oi ả mà đi đâu cũng thấy người dân trong làng tay ai cũng cầm một cái quạt mo.
Ông Nguyễn Quang H. ở xóm 1 nói: “Các chú thông cảm, dùng tạm quạt mo chứ quạt điện không quay được”. Đến nhà ông Trần Văn Th. ở xóm 7, ông vui vẻ mời: “Nếu không tin, tối nay mời các chú ở lại để chứng kiến với chúng tôi, cơm nước có chi ăn nấy, ngủ thì 2 người một giường đó còn quạt thì mỗi người một cái, ai nóng tự giác chứ chờ quạt điện thì tui không dám bảo đảm”.
Trời chạng vạng tối mà ai ai trong xóm cũng chờ... có thêm tý điện cho cái quạt nó quay chứ dùng quạt mo cả ngày mỏi tay quá. "Thực trạng hệ thống điện của xã kém chất lượng đã được người dân phản ánh nhiều lần trong các cuộc họp Hội đồng nhân dân xã, các buổi tiếp xúc cử tri nhưng chính quyền địa phương cũng bất lực" - Ông Nguyễn Tuấn M. khẳng định.
Không tin được - Dù đó là sự thật
Khoảng 19h, bỗng dưng mấy hộ ở gần nhau nhốn nháo cả lên. “Tăng xút vừa thôi, bên nớ tăng lên mấy rồi? Đừng tăng quá nhá, điện có đủ mô mà tăng...”.
Tôi thắc mắc, bà chủ nhà nói liền: “Ngày mô cũng rứa mà chú, suốt 17, 18 năm từ khi có điện đến giờ, mùa hè cũng như mùa đông cứ chập tối là xóm nhao nhao cả lên vì sợ nhà này tăng xút quá lên, khi có thêm tý điện thì nhà kia lại toi đèn luôn”.
Đến giờ ăn cơm mà phải thắp nến còn điện trong nhà chỉ sáng duy nhất cái bóng đèn Led trên bảng ổ cắm điện. Thật là oái oăm khi trong nhà những người nông dân chân lấm tay bùn đều có đủ các vật dụng đồ điện như đèn, quạt, nồi cơm điện, máy bơm nước, ti vi... mà chưa mấy khi được sử dụng đúng mục đích.
Người dân xã Nghĩa Bình đang sống chung với cảnh thiếu điện hàng chục năm nay
Ngồi ăn cơm, cả 2 chúng tôi nữa là 6 thành viên, mỗi người một bát, một đôi đũa và kèm theo một cái quạt mo, còn 2 chiếc quạt MD mà chủ nhà nói mua từ năm 1996 đến nay thì chỉ đứng im lìm gần cây cột nhà như thứ đồ trang trí. “Nghĩ khi có điện (năm 1995, là xã Nghĩa Bình có điện) gia đình sắm để quạt mát mùa hè nhưng có mấy khi dùng được mô chú”.
Đang cầm ly rượu, bỗng ông Th. đứng phắt dậy, lấy cái đèn pin đi xuống nhà dưới xách cái nồi cơm điện lên đặt cạnh bên chiếc nồi cơm đun củi đen nghoét. “Đó chú thấy chưa, vật dùng trong nhà hầu như có đủ cặp đôi cả: Quạt điện - quạt mo; máy bơm - gàu múc nước; nồi cơm điện - nồi cơm củi; bóng đèn điện - nến... nhưng mà những đồ truyền thống của cha ông ngày xưa thì người dân vẫn phải dùng còn đồ điện lắp rồi để đó. Vậy mà dân làng có kêu ai thấu được mô” - Ông Th. phân trần.
Làm xong ly rượu, ông trầm ngâm một lát rồi tiếp: “Chiếc tivi to đùng kia chỉ lâu lâu mới xem được phim hay xem được chương trình gì đó sau 21 giờ 30 phút còn lại hầu hết người dân các xóm 1, 7, 8 chưa khi mô xem được bản tin thời sự lúc 19 giờ của Đài truyền hình Việt Nam. Thông tin thời tiết, mưa bão toàn phải nghe truyền miệng từ mấy xóm ngoài trung tâm chuyển về”.
Đang hàn huyên câu chuyện bỗng cô con gái của chủ nhà đến giúp mẹ nấu cơm phục vụ khách tiếp lời: “Hai anh xem cái bóng đèn nê-ông 1,2m trên xà nhà cũng gần 20 năm rồi đó, anh trai em lắp nó từ năm 1995, lúc nào điện thật mạnh thì nó sáng. Đến năm 2001, ông anh lại thay bằng cái chấn lưu điện tử nhưng cũng không ăn thua nên bố mẹ em để đó chẳng muốn leo lên, leo xuống. Thôi thì cứ để thế vài năm nữa nhà em sẽ tổ chức mừng thọ 20 năm cho cái bóng đèn anh ạ”.
Câu nói đùa nửa vui nửa thật của cô con gái chủ nhà khiến tôi nghĩ mơ màng. Thời buổi đất nước đổi mới mà một vùng nông thôn miền núi cách TP Vinh không xa, người dân không có đủ nguồn điện sinh hoạt để được nghe, được thấy những tin tức thời sự cập nhật của đất nước trên tivi?!
Ngồi bên ấm nước chè xanh cùng 8, 9 người dân trong xóm nói đủ chuyện về mùa màng, chăn nuôi, chính sách trồng rừng… Đến 22h, bỗng mọi người đồng loạt ồ lên một tiếng làm tôi giật cả mình “Có điện, có điện rồi!”. Cô con gái chủ nhà đi vào rồi ngoảnh ra nói: “Qua xút 120 mà chỉ đủ sáng bóng chữ U thôi, quạt chưa quay được”.
Tôi vào cắm cái xạc pin điện thoại nhưng điện vẫn không đủ áp để nạp, lòng tự hỏi vậy người nông dân ở Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ dùng điện để làm gì?
Đi ngủ được một lúc, trời nóng quá mà thấy ông chủ nhà cứ 5 phút lại mở cửa đi ra, đi vào. “Sao bác không ngủ?”. “Đang trực bơm nước chú ạ”, ông Th đáp. Tôi dậy ra xem thấy ông đang cắm máy bơm nước vào chiếc bể làm bằng 2 ống bê tông cao khoảng 1,7m rộng 75cm. Liếc nhìn đồng hồ lúc đó đã là 23h7'. Điện quá yếu, máy bơm cứ è è không tải được đành phải rút phích cắm… ngồi chờ. Nằm nhìn chiếc quạt MD quay một cách uể oải, qua ánh sáng ô cửa sổ, tôi còn đếm được vòng quay của cánh quạt.
Khi ông Th. vào ngủ cũng là lúc 0h28'. “Có bơm được không bác?”. “Có lẽ gần đầy bể chú ạ!”, chủ nhà đáp. “Mấy đêm bác phải bơm một lần?”. “Khoảng vài bữa, chuyện thông thường mà chú, ở đây nhà ai cũng phải như vậy cả mới có nước dùng chứ giếng khơi mùa hè đều cạn hết”.
Tôi lại nghĩ lan man, người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời lẽ ra sau một ngày lao động vất vả họ phải được ngủ nghỉ để tái tạo sức lao động. Thế mà xong việc đồng áng, hàng đêm họ còn phải thức để bơm 1m3 nước hết 88 phút đồng hồ với chiếc máy bơm Cá sấu 370W. Xem một trận bóng đá 90 phút thấy nhanh mà bơm 1m3 nước từ lúc 23h đến 0h28' sao mà lâu đến thế?
Sáng mai thức dậy cũng có nhiều câu chuyện vui buồn ở xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, còn chuyện điện - đóm thì chủ nhà tặng chúng tôi thêm một câu: “Từ sau Tết đến nay, gia đình tui chỉ hết 38.000 đồng tiền điện nhưng hết 120.000 đồng tiền nến rồi mà chú”.
Hồng Quang
.