Qua thống kê, tính đến ngày 15/5/2012, toàn tỉnh có 5.260 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 366/480 xã, phường của 20/20 huyện, thành, thị có người nghiện ma túy.
Toàn tỉnh cũng có 63/479 xã, phường, thị trấn có tệ nạn mại dâm, trong đó có 70 cơ sở nghi hoạt động mại dâm. Tính đến hết tháng 4/2012, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 6.329 người, trong đó số bệnh nhân AIDS là 3.457 người và số người tử vong do AIDS là 1.991 người. Trong tổng số người nghiện ma túy, có 61% người không có việc làm; người nghiện ma túy chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 18 đến 40 tuổi, chiếm 80%.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các đề án về xóa địa bàn phức tạp về ma túy; cai nghiện và quản lý sau cai, phòng chống mại dâm; phòng chống HIV/AIDS... Các ngành, các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia phòng chống ma túy, mại dâm lồng ghép với các cuộc vận động và phong trào của địa phương.
Đào tạo nghề cho học viên sau cai tại Trung tâm GD - LĐXH 2 Nghi Lộc
Duy trì và nhân rộng các mô hình trong phòng chống ma túy như CLB “Bạn giúp bạn”, câu lạc bộ “Lá chắn”, "Đoạn đường không có tệ nạn xã hội"… Các ngành Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát, ngăn chặn, phòng chống ma túy thẩm lậu qua biên giới, gắn với đấu tranh triệt xóa các địa bàn phức tạp về ma túy.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã hợp tác với các tỉnh nước bạn Lào trong công tác phòng chống và kiểm soát ma túy; hợp tác với các tổ chức Quốc tế triển khai 5 dự án phòng lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và đào tạo nghề sau cai, Sở LĐTB&XH đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản về chế độ, chính sách liên quan đến công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai; tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản giao chỉ tiêu cai nghiện và dạy nghề cho các huyện, thành, thị và các Trung tâm GD-LĐXH.
Đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện. Trên cơ sở những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, trong 3 năm qua, toàn tỉnh tổ chức cai nghiện cho 7.978 lượt người, trong đó tổ chức dạy nghề cho 1.482 người, tạo việc làm cho 211 người.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay đối tượng này rất khó quản lý, vẫn có những học viên mới từ Trung tâm GD-LĐXH trở về, gián đoạn thời gian dài, không có việc làm nên cơ hội quay lại với ma túy là rất lớn. Vì vậy, bài toán đặt ra là cần có cơ chế, chính sách dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, nhất là đối với những người đã cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đang được quản lý sau cai tại nơi địa bàn cư trú.
Ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Trong số người nghiện ma túy vào các Trung tâm cai nghiện thì có trên 60% chưa được đào tạo nghề, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Vì vậy, đào tạo nghề cho người nghiện ma túy là cách để nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề, giúp họ tìm được việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng, có thu nhập để từng bước từ bỏ ma túy.
Tuy nhiên, nghề mà các học viên được học phải phù hợp với trình độ, sức khỏe, nguyện vọng của học viên và nhu cầu tại địa phương. Thời gian qua, các Trung tâm GD-LĐXH đã phối hợp với các trường dạy nghề như: Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt - Đức, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt - Hàn, Trung tâm dạy nghề TTCN, Công ty Đức Phong... tổ chức định hướng nghề, truyền và dạy các nghề như: May công nghiệp, điện dân dụng, mây tre đan, đá mỹ nghệ, làm chân hương, mi mắt giả, gia công bật lửa... Bên cạnh đó, các Trung tâm còn chú trọng tổ chức lao động sản xuất cho người nghiện ma túy bằng việc tăng gia sản xuất rau màu, chăn nuôi bò, lợn, cá, xây dựng các mô hình trồng rừng...
Điển hình như tại huyện Kỳ Sơn, một trong những huyện miền núi có tỷ lệ người nghiện ma túy cao của tỉnh với số người nghiện không có nghề chiếm đa số. Ông Nguyễn Trọng Châu - Giám đốc Trung tâm chữa bệnh, giáo dục - lao động xã hội huyện, cho biết: Năm 2011, Trung tâm tiếp nhận 115 lượt học viên (trong đó bắt buộc 105, tự nguyện 10 trường hợp), tổ chức dạy nghề và truyền nghề cho 40 học viên, dạy văn hóa cho 25 học viên.
Ở một huyện với nhiều khó khăn, để nâng cao tính thiết thực và hiệu quả công tác dạy nghề cho người sau cai nghiện, Trung tâm đã phân loại đối tượng để có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp, gắn đào tạo nghề với lao động sản xuất như trồng rau, chăn nuôi, trồng và chăm sóc rừng, làm đồ mỹ nghệ...
Hiện tại sau 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã tổ chức khoanh nuôi bảo vệ trên 2ha diện tích xen canh ngô và xoan, trồng được trên 3.000 cây keo lá tràm, 1.000 cây xoan đâu, thả 40kg các loại trên diện tích 1.000m2 mặt nước ao, chăn nuôi gần 40 con lợn thịt, trồng và chăm sóc gần 600m2 rau màu các loại; hoàn thành 2 sân bóng chuyền và cầu lông, đảm bảo cho học viên có điều kiện luyện tập sau thời gian cải tạo, lao động... từ đó kích thích trong mỗi học viên tính hướng thiện, để quyết từ bỏ ma túy, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Theo đánh giá chung, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng người được dạy nghề và tạo việc làm còn quá thấp so với số người nghiện ma túy sau cai. Trong khi đó, các nghề được đào tạo còn đơn giản, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế; công tác dạy nghề chủ yếu chỉ được triển khai ở các Trung tâm GD-LĐXH.
Quản lý sau cai nghiện cũng quan trọng không kém đối với công tác cai nghiện, do vậy cần có sự đầu tư, vào cuộc nhiều hơn nữa của cả cộng đồng xã hội. Các ngành chức năng liên quan cần có chính sách cho người nghiện ma túy sau cai được vay vốn để tạo việc làm; sớm có chế độ hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận người nghiện ma túy sau cai vào làm việc.
Xuân Thống
.