Chọn hướng đi phù hợp và nỗ lực phấn đấu trong việc phát triển kinh tế, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở xóm Đồng Hưng đã từng bước vươn lên để có cuộc sống ngày càng khá giả hơn và trở thành một điển hình trong việc xoá đói giảm nghèo bền vững của Hội liên hiệp phụ nữ xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp.
Cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy và anh Nguyễn Văn Dũng lại càng khó khăn, chật vật biết bao khi chị phải xin nghỉ việc làm y sĩ cho lâm trường Quỳ Hợp để có điều kiện chăm sóc mẹ già, người cô bị bệnh tâm thần và 2 đứa con đang ngày một trưởng thành. Những lo toan, vất vả đó cũng không thể nào dập tắt được khát vọng làm giàu của chị.
Năm 2004, khi Hội phụ nữ xã có chương trình hỗ trợ vốn làm ăn cho chị em phụ nữ nghèo, chị Thủy đã làm đơn vay tiền để đầu tư nuôi dê. Để nuôi dê đạt hiệu quả cao nhất, ngoài vốn kiến thức có được khi làm y sĩ thì chị Nguyễn Thị Thủy đã dành phần lớn thời gian để tìm hiểu những kiến thức, những kinh nghiệm từ những người nuôi trước đó.
Mô hình chăn nuôi dê điển hình của gia đình chị Thủy
Chị Nguyễn Thị Thủy tâm sự: “Hội LHPN xã cho gia đình vay 5 triệu đồng, với đồng vốn quá ít thì mua con trâu chưa đủ, vợ chồng bàn nhau mua 6 con dê. Số tiền còn lại làm chuồng trại, nhân rộng dần dần. Do địa hình thuận lợi, vợ chồng tranh thủ chăn dê ngoài những giờ đi làm bởi thời điểm đó dê còn ít, sau 6 tháng dê tăng lên 12 con, sau 3 năm thì gia đình cũng có bán được 19 triệu đồng và đàn dê còn 40 con.
Đến thời điểm này, gia đình tôi có nhân rộng ra bán cho bà con xung quanh để họ chăn thêm. Đàn dê cũng đã được 70 con”. Dường như sự chăm chỉ của chị đã được đền đáp xứng đáng khi sau 2 năm thì chị Thủy đã hoàn lại vốn cho Hội phụ nữ xã và đưa cuộc sống của gia đình từng bước khá hơn.
Ngoài việc nuôi dê thì gia đình chị còn trồng thêm 1ha keo đã được 3 năm tuổi và trồng 1ha cây mía, cây ngô hàng năm. Từ những cây màu này cũng đã mang về cho gia đình chị thu nhập trên dưới 50 triệu đồng. Mặc dù gia đình chị Thủy là hộ đầu tiên nuôi dê của xóm Đồng Hưng nhưng chỉ sau 8 năm thì chị đã chứng minh cho mọi người thấy được hiệu quả từ mô hình đó. Đến nay, trong xóm đã có 6 hộ dân học hỏi mô hình của gia đình chị để đầu tư nuôi từ 5 đến 10 con dê.
“Từ một hộ trung bình đến năm 2008, gia đình chị Thuỷ được bình xét là gia đình hộ khá, do đó mô hình chăn nuôi dê của chị Thuỷ là một mô hình điển hình cho Hội phụ nữ xã. Hàng năm, chúng tôi thường xuyên cho chị em đến thăm quan và học tập kiến thức của chị. Đặc biệt, có một số chị em nghèo không có vốn thì được chị Thủy cho vay con giống để tạo điều kiện phát triển kinh tế. Hàng năm, bình quân gia đình chị Thủy có tiền lãi hàng trăm triệu đồng”. Đó là ghi nhận của chị Hà Thị Thắt, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Hợp.
Đầu tư phát triển kinh tế đúng hướng đã giúp cho gia đình chị Thủy vươn lên thành hộ khá của xã, có điều kiện tốt để nuôi các con ăn học thành đạt. Đặc biệt, nhiều năm liên tục gia đình chị Thủy được công nhận là gia đình văn hóa và bản thân chị được các cấp hội ghi nhận vì có thành tích trong các phong trào xoá đói giảm nghèo của phụ nữ.
Phan Giang
.