Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201206/20627-dan-khong-chiu-ban-giao-mat-bang-du-an-dut-quang-397004/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201206/20627-dan-khong-chiu-ban-giao-mat-bang-du-an-dut-quang-397004/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dân không chịu bàn giao mặt bằng, dự án đứt quãng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 02/06/2012, 14:36 [GMT+7]
20627

Dân không chịu bàn giao mặt bằng, dự án đứt quãng

Dự án xây dựng kè chống lở ven sông Lam đoạn qua xã Đỉnh Sơn, với chiều dài gần 1km, tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng do UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư, hiện mới hoàn thành 3/4 công trình. Phần kè còn lại chưa thi công được do vướng mắc về mặt bằng.
 
Đại diện nhà thầu thi công cho biết, nếu không kịp thời giải phóng mặt bằng trong thời gian này thì đến mùa mưa lũ nước sông dâng cao, lúc đó rất khó khăn cho việc xây lắp những khối lượng dưới nước, điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Về công tác đền bù, hỗ trợ và tái định cư phục vụ cho việc thi công dự án này được thực hiện 2 lần với tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, trong đó có một số trường hợp được tái định cư.
 
Tuy nhiên, từ cuối năm 2009 đến nay, khi triển khai thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì có 2 hộ (hộ ông Vinh và hộ bà Hòe) không chịu nhận tiền bồi thường và hỗ trợ.
 
Lý do mà 2 hộ dân này không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ là vì không đồng ý về áp giá bồi thường và mức hỗ trợ vì 2 hộ này cho rằng theo quy định, mỗi m2 đất được đền bù 750.000 đồng, nhưng khi chi trả thì chỉ được đền bù theo giá 410.000 đồng/m2. Từ đó 2 hộ đâm đơn khiếu kiện, kết quả là UBND huyện Anh Sơn tiến hành đo đạc lại và xác định nguồn gốc đất, đã chi trả đầy đủ số tiền theo quy định.
 
Chính từ 2 hộ ông Vinh và bà Hòe được giải quyết thỏa đáng, cho nên các hộ dân nằm trong diện GPMT sinh ra thắc mắc, đặt ra câu hỏi tại sao cùng một loại đất trong khi đó diện tích của mình bị thu hồi còn nhiều hơn hộ ông Vinh và bà Hòe lại được đền bù thấp hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng 6 hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng và một số hộ dân khác đâm đơn khiếu kiện đòi tiền đền bù thỏa đáng.
 
Mặc dù chính quyền xã, ban giải phóng mặt bằng đã nhiều lần giải quyết những tồn đọng đang gặp phải trong công tác giải phóng mặt bằng xây dựng kè sông Lam đoạn qua xã Đỉnh Sơn. Song vẫn chưa giải quyết dứt điểm, đến khi nhà thầu đưa máy móc làm tiếp thì bị người dân cản trở không cho làm, các hộ còn thách thức “khi nào chính quyền trả đủ tiền đền bù số đất bị thu hồi thì chúng tôi mới chịu bàn giao mặt bằng”.
 
Do các hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng nên dự án vẫn “án binh bất động” từ 3 năm nay
 
Ông Nguyễn Trọng Tường là hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất bày tỏ: “Gia đình chúng tôi luôn đồng tình, ủng hộ với việc thu hồi đất thực hiện dự án của Nhà nước. Việc chúng tôi chưa chấp hành các quyết định hành chính của UBND huyện không phải là chúng tôi “chống” chính quyền, mà muốn họ thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đúng, đất của tôi là đất ở có bìa đỏ lại đền bù theo giá đất vườn 35.000 đồng/m2, trong khi đó đất của ông Vinh không có bìa đỏ lại được áp giá mức 750.000 đồng/m2”.
 
Qua tìm hiểu được biết, theo quyết định phê duyệt, để thi công công trình kè chống xói lở bờ sông Lam, UBND huyện Anh Sơn căn cứ vào các văn bản của Nhà nước đã ban hành để tính giá đất tại thời điểm bồi thường đối với đất vườn ao liền kề với đất ở trong khu dân cư không được công nhận là đất ở; ngoài mức bồi thường theo giá đất vườn còn được hỗ trợ thêm 50% giá đất ở liền kề.
 
Như vậy, loại đất đối với 25 hộ còn lại tương ứng với loại đất thực tế theo hồ sơ kiểm kê hiện trạng mà các hộ dân này đã ký. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: “Việc điều tra, xây dựng phương án đền bù, thuyết phục các hộ dân chấp nhận mức giá đền bù này đã tốn rất nhiều thời gian. Khi chi trả các hộ dân đều nhất trí tiền đền bù và chấp nhận giao mặt bằng, nhưng do 2 hộ khiếu kiện được chi trả tiền bồi thường cao hơn cho nên các hộ “trở mặt” với chính quyền đi kiện cáo.
 
Sau khi dân khiếu kiện về phía xã, chúng tôi đã 3 lần đối thoại với các hộ dân, giải thích cặn kẽ nhưng xem ra họ không chịu hiểu”. Còn về phía huyện, lý giải cho việc chậm trễ trong GPMB của dự án, bà Võ Thị Hồng Lam - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho rằng, có việc chậm trễ là do UBND xã xác định sai nguồn gốc đất của một số hộ.
 
Thực tế mà nói, huyện cũng chỉ dựa trên cơ sở xác định nguồn gốc đất đai của UBND xã Đỉnh Sơn, nên Hội đồng bồi thường GPMB đã áp giá theo quy định. Về quy trình mà nói, huyện không làm sai và đã tiến hành đền bù đúng theo giá hiện hành, chứ không có chuyện dân bị thiệt thòi như đã khiếu kiện.
 
Để đẩy nhanh tiến độ dự án trong thời gian tới, trước mắt cần thực hiện công tác vận động nhân dân bàn giao mặt bằng. Đối với các trường hợp cố chấp, cố ý gây ách tắc công việc, không chịu bàn giao mặt bằng… cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế. Không thể vì một vài vướng mắc nhỏ mà ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
 
Khiếu nại, khiếu kiện là quyền của công dân, nhưng qua dự án xây dựng kè chống sạt lở sông Lam đoạn qua xã Đỉnh Sơn đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, yếu kém trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương.

Trường Khuyên
.