Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201206/20617-can-tim-lai-tieng-noi-chung-giua-nha-may-dua-va-nong-dan-397013/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201206/20617-can-tim-lai-tieng-noi-chung-giua-nha-may-dua-va-nong-dan-397013/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần tìm lại tiếng nói chung giữa nhà máy dứa và nông dân - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 01/06/2012, 14:09 [GMT+7]
20617

Cần tìm lại tiếng nói chung giữa nhà máy dứa và nông dân

 
Trên thực tế, để phát triển vùng nguyên liệu nông sản mang tính ổn định và bền vững thì phải có mối liên kết chặt chẽ giữa người trồng dứa và Nhà máy dứa. Trước đây, mối liên kết này thể hiện qua hợp đồng cung cấp phân bón, trợ giá và bao tiêu sản phẩm nhưng hiện nay mối liên kết này không còn nữa.
 
Thực trạng là giá nhà máy thu mua nông dân chê rẻ nên không ký hợp đồng để bán ra tư thương, nhà máy cũng không mặn mà vì mua dứa cho nông dân không lời mà chỉ có lỗ. Nông dân thua lỗ, nhà máy cũng không có nguyên liệu để hoạt động là thực trạng buồn trên vùng nguyên liệu.
 
Thực trạng cho thấy ở hầu hết các nhà máy chế biến nông sản đều gặp đó là cảnh khó khăn trong việc thu mua sản phẩm cho bà con nông dân theo hướng bền vững, lâu dài. Hơn nữa, dù xây dựng vùng nguyên liệu trước hay xây dựng nhà máy trước cũng luôn gặp phải cảnh vướng mắc, “đuối” dần nguồn nguyên liệu về sau.
 
Trước đây nhà máy thông qua chính quyền địa phương ký kết hợp đồng với người trồng dứa. Theo hợp đồng thì nhà máy sẽ hỗ trợ vốn, hỗ trợ phân bón, vận chuyển, bao tiêu sản phẩm theo giá cam kết từ đầu vụ, người nông dân có trách nhiệm bán sản phẩm cho nhà máy. Với cách làm đó, vùng nguyên liệu dứa ngày càng phát triển và cuộc sống của người nông dân ngày càng khấm khá.
 
Tuy nhiên, mối quan hệ này không tồn tại được lâu vì giá dứa lên xuống thất thường. Giá nhà máy thu mua cao thì không sao nhưng thu mua thấp là người nông dân bắt đầu toan tính và bán ra thị trường ngoài với giá cao hơn. Bên cạnh đó, một số cơ sở chế biến dứa nhỏ lẻ của tư nhân cũng vội thành lập ăn theo vùng dứa nguyên liệu.
 
 
Nông dân trồng dứa đang quay quắt
 
Mỗi ngày cơ sở này chế biến được vài tấn dứa không cần bảo quản nên thu mua trực tiếp với giá cao hơn nhà máy. Để không còn ràng buộc với nhà máy, người nông dân bắt đầu từ chối ký hợp đồng để tự do tìm kiếm thị trường. Thực tế trong tổng số lượng 6.000 tấn dứa của năm 2011, nhà máy chỉ mua được 1.400 tấn.
 
Do không cam kết với nhà máy nên khi hàng nghìn tấn dứa chín đồng loạt người trồng dứa không có đầu ra nên thua lỗ nặng, chỉ sau một vài vụ như thế người nông dân bắt đầu bỏ cây dứa. Thực tế cũng cho thấy, giá dứa thế giới thường xuyên biến động ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp chỉ xuất khẩu dứa.
 
Năm nay, nhà máy đưa ra giá dứa thu mua chỉ mức 1.200 đồng đến 2.500 đồng/kg. Với giá này thì người nông dân chịu rất nhiều thiệt thòi, còn nhà máy cũng bất lực vì thu mua theo giá thấp như thế nhưng cũng không có lãi do giá dứa thành phẩm xuất khẩu quá thấp.
 
Nhìn từ khía cạnh người trồng dứa thì ngoài việc Nhà nước có hỗ trợ 6 triệu/ha, người nông dân phải mất hàng chục triệu đồng để sản xuất 1 ha dứa. Nếu giá thu mua thấp thì bà con cũng chỉ còn cách bán cho những “công ty 2 sọt” (theo cách nói của bà con là bán cho tư thương nhỏ dùng xe gắn máy để vận chuyển - PV) nhưng lượng thu mua rất bấp bênh tùy thuộc mức tiêu thụ của thị trường. Từ đó, tùy quy luật giữa cung - cầu mà người nông dân trồng nhiều hay ít dẫn đến việc bà con trồng dứa theo kiểu “tự phát”, do vậy diện tích vùng nguyên liệu dứa giảm.
 
Vấn đề đặt ra ở đây là việc liên kết: Nhà nông - nhà máy - nhà khoa học - Nhà nước hiện nay ở vùng nguyên liệu dứa chưa được thực hiện đồng bộ. Mặc dù, mô hình này đã được Chính phủ hết sức khuyến khích hỗ trợ tích cực, nhưng xem ra lâu nay vẫn rời rạc, do quyền lợi gắn kết chưa hấp dẫn, chưa vượt qua được quyền lợi từ thị trường tự do mang lại.
 
Người nông dân vẫn theo nếp sản xuất cũ, thấy có lợi trước mắt thì tập trung đầu tư, thấy hiệu quả thấp là chuyển đổi cây trồng khác. Các doanh nghiệp kinh doanh chế biến nông sản dựa vào lối mòn ăn sẵn, cứng nhắc trong thu mua sản phẩm của nông dân, nên khó có điểm chung trong việc phân chia lợi ích.
 
Thực tế, trên mảnh đất của mình, trong khoảng thời gian nhất định, người nông dân có thể chuyển đổi từ loại cây trồng này sang loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Còn các nhà máy chế biến thì không thể chuyển sang chế biến một loại nông sản khác được. Có chăng, cũng phải mất nhiều thời gian, tiền bạc mới thực hiện được. Và, hệ quả là quy trình chế biến sẽ mất thời gian để “lập trình” lại dây chuyền sản xuất.
 
Thực tế, ở Nhà máy Chế biến dứa xuất khẩu hiện nay đã phải nhập dây chuyền khác để chế biến các sản phẩm như chanh leo, vải, khoai lang… để “lấy con béo kéo con gầy”, không còn chuyện sản xuất dứa cô đặc như thời gian đầu. Cũng chính vì thế, đơn vị này cũng phải bỏ công đi tìm vùng nguyên liệu ở nơi khác mà không mặn mà với cây dứa trên chính vùng nguyên liệu của mình.
 
Nhà máy không mặn mà, các cấp chính quyền cũng không có động thái nào cứu vãn thực trạng trên nên nhà máy và người nông dân vẫn không tìm được tiếng nói chung và cả hai đang chịu nhiều thiệt thòi.
 
Đánh mất vùng nguyên liệu dày công xây dựng thật đáng tiếc, nhưng đáng tiếc hơn là việc triển khai và thực hiện chính sách phát triển kinh tế, xây dựng mô hình điểm không sâu sát, không hết mình của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. Hãy là cầu nối dựa trên những chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp để cả hai tìm lại được tiếng nói chung và vùng nguyên liệu trở nên trù phú.

Ngọc Hùng - Ngọc Thái
.