Ồ ạt phát triển nhà máy thuỷ điện
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Nghệ An (chủ yếu tập trung vào khu vực miền Tây với hai địa bàn chủ yếu là Quế Phong và Tương Dương) hiện có 72 dự án thủy điện với tổng công suất trên 1.000 MW.
Trong số này có 5 dự án (682 MW) lớn thuộc giai đoạn 2006 - 2015; đến 2020 có 30 dự án thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng chính các sông lớn được Bộ Công thương phê duyệt; số dự án thủy điện vừa và nhỏ còn lại do tỉnh quản lý, trong đó có 11 nhà máy đang triển khai xây dựng với tổng công suất lắp máy là 172 MW, 4 nhà máy đã hoàn thành và đi vào hoạt động (thủy điện Bản Cánh công suất 1,5 MW, thủy điện Bản Cốc công suất 18 MW, thủy điện Sao Va công suất 3 MW, thủy điện Bản Vẽ công suất 320 MW; tổng công suất đã phát điện của các nhà máy đạt 342 MW).
Dự kiến, khi đi vào vận hành, công suất của tất cả các nhà máy trên địa bàn ước đạt 880 MW. Một số dòng sông oằn mình “cõng” thủy điện là dòng sông Lam đoạn qua địa phận huyện Tương Dương có 3 nhà máy thuỷ điện, bao gồm Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ, công suất 320 MW; Nhà máy thuỷ điện Khe Bố, công suất 100 MW; Nhà máy thuỷ điện Yên Thắng, nằm trên nhánh sông Hội Nguyên, công suất 11MW.
Trên một nhánh khác của sông Lam là sông Nậm Mộ, Công ty CP Thuỷ điện Bản Vẽ cũng đã tiến hành khởi công một nhà máy khác thuộc địa bàn xã Tà Cạ, Kỳ Sơn với công suất 18 MW.
Nước đầu nguồn sông Cả đoạn qua Tương Dương cạn trơ đáy
Khu vực Tây Bắc, trọng điểm là huyện Quế Phong cũng được coi là “mảnh đất vàng” của thuỷ điện. Ngoài nhà máy Thuỷ điện Hủa Na trên sông Chu, công suất 180 MW là lớn nhất, Quế Phong còn có các nhà máy thủy điện khác như Nhạn Hạc, Bản Cốc, Sao Va, Nậm Pông, sông Quang...
Trong đó công trình thủy điện Bản Cốc có công suất 18 MW, đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Công trình thủy điện Sao Va, xã Hạnh Dịch, công suất 3 MW và công trình thủy điện lớn thứ hai của Quế Phong là dự án Nhạn Hạc (xã Quế Sơn) với công suất 45 MW. Cùng với đó, trên địa bàn Quỳ Hợp cũng vừa khởi công công trình thuỷ lợi, thuỷ điện bản Mồng với công suất 40 MW.
Trăm nỗi khổ đổ đầu dân
Vì quá chú trọng vào bài toán năng lượng mà nhiều vấn đề xung quanh việc xây dựng quá nhiều các nhà máy thuỷ điện hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, kéo theo những hậu họa. Hệ lụy nhãn tiền mà ai cũng có thể thấy là nước trên dòng Lam đang bị bòn rút đến cạn kiệt, đặc biệt đoạn qua địa bàn huyện Tương Dương nhiều chỗ trước đây là vùng nước dữ nhưng nay có thể lội qua khá dễ dàng.
Mới đây, mực nước sông Lam ở Nam Đàn đo được chỉ còn ở cao trình 0,4 - 0,45 m, thấp hơn mức thiết kế khoảng 70 - 75cm, khiến nước từ nhiều kênh chảy trở lại sông. Mực nước sông Lam tại Ba-ra Đô Lương cũng thấp hơn mức thiết kế khoảng 7 - 10 cm. Mực nước tại hạ lưu cống Bến Thuỷ âm 0,4 mét, tại hạ lưu cống Nghi Quang âm 0,5 mét… khiến việc sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một góc nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ
Cũng vấn đề này, lại nhớ đến chuyện về thác Sao Va, một thắng cảnh nổi tiếng và là niềm tự hào của người dân Quế Phong, hằng năm thu hút một lượng lớn khách tham quan, đã chỉ còn là dĩ vãng khi Nhà máy thủy điện Sao Va được xây dựng. Từ khi nhà máy này tích nước (chỉ nằm cách thác Sao Va chưa đầy 1,5 km) thì thắng cảnh này chỉ còn là một cái ghềnh khô trơ trọi.
Tuy nhiên, nói về việc phát triển thủy điện gây ảnh hưởng lớn nhất có lẽ phải kể đến đời sống của người dân khi nhường đất để làm thủy điện. Để xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ, năm 2006, trên 2.000 hộ dân các xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương, Luân Mai thuộc huyện Tương Dương đã được di dân đến vùng tái định cư ở 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương).
Định cư nhưng không định canh cho bà con, thiếu đất, không việc làm và đặc biệt là bất cập trong những ngôi nhà hộp diêm nên bà con đã quay về bản cũ. Đến tháng 5/2012, hơn 500 nhân khẩu của gần 200 hộ gia đình đã hồi hương dựng lán trại ngay cạnh lòng hồ để mưu sinh trong sự bất lực của chính quyền và cơ quan chức năng.
Đó là chưa kể đến những người không thuộc diện di dân sống xung quanh khu vực nhà máy, đã phải sống dở chết dở mỗi khi ngăn dòng, nước dâng làm cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài (trong 10 ngày đầu tháng 5/2012, có 4 xã phía thượng nguồn là Bắc Lý, Mỹ Lý (Kỳ Sơn) và Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương) đã phải chịu cảnh cô lập).
Đó là chưa kể đến một loạt các hệ lụy khác như ngăn đập thủy điện khiến phù sa bị giữ lại thượng nguồn, đời sống dân sinh, thủy sinh hai bên bờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống người dân. Trong khi đó, dự án về các nhà máy thủy điện vẫn được phê duyệt, bất chấp cả việc xây dựng ngay trong khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận.
Thiên Thảo
.