Trước khi nhà máy xây dựng, UBND tỉnh cam kết hình thành vùng nguyên liệu dứa rộng 3.000 ha cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy. Trong những năm đầu, người dân ở nhiều địa phương đã đổi đời nhờ cây dứa nhưng về sau người trồng dứa và nhà máy không có sự ràng buộc lẫn nhau nên giá dứa ngày càng thiếu ổn định.
Hiện nay, người nông dân đã không mặn mà với cây dứa, diện tích dứa vùng nguyên liệu chỉ còn khoảng 650 ha, vùng nguyên liệu dứa Nghệ An đang dần biến mất.
Với tham vọng biến Nghệ An thành trung tâm dứa nguyên liệu, năm 2002, UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng vùng nguyên liệu dứa 10.000 ha tập trung tại huyện Quỳnh Lưu. Dự kiến ban đầu sẽ trồng khoảng 3.000 ha đủ cung cấp cho Nhà máy dứa cô đặc Nghệ An. Theo quy hoạch, khi Nhà máy dứa cô đặc Nghệ An đi vào hoạt động với kế hoạch sản lượng tiêu thụ khoảng 5.000 tấn/năm.
Những năm đầu, khi sản phẩm dứa cô đặc xuất khẩu đi các nước trên thế giới được giá, việc nhà máy thu mua nguyên liệu của bà con nông dân ở các địa phương đều “thuận buồm xuôi gió”, nhiều hộ dân phất lên cũng nhờ dứa. Tuy nhiên, trong vòng mấy năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân đang trong tình cảnh “ngán ngẩm” vì giá dứa lên xuống bất thường, vùng nguyên liệu dứa vốn dĩ trù phú trước kia thì nay đang heo hút dần.
Cây dứa không còn phát huy hiệu quả kinh tế do không có chính sách phù hợp
Chị Nguyễn Thị Sen ở xã Tân Thắng tâm sự: “Thời kỳ đầu nhà máy đi vào hoạt động, người dân chúng tôi hăm hở cải tạo đất để đồng loạt trồng dứa. Bà con vùng quê nghèo ở đây ai cũng háo hức trồng dứa những mong đổi đời so với trồng cây nông sản trước kia. Nhà tôi ngày trước còn trồng tới gần chục ha nhưng giờ thì phá bỏ gần hết. Bây giờ, nhà mô nhiều nhất ở xã ni cũng lác đác vài ba ha dứa là cùng. Giá dứa bây giờ không ổn định nên người trồng dứa như chúng tôi cũng không tự tin khi đưa cây dứa vào trồng nữa”.
Cũng chung với tình cảnh đó, nhiều bà con nông dân ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu… đã phá dứa trồng sắn, mía hoặc một số cây ngắn ngày khác. Trước đây, vùng nguyên liệu dứa được mở rộng tới gần 2.000 ha thì nay chỉ còn 650 ha và tiếp tục bị thu hẹp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) cho biết: Hiện nay, diện tích trồng dứa của bà con trong toàn xã đang bị thu hẹp dần là đúng với thực tế. Những năm trước, bà con tích cực trồng dứa để nhập nhà máy với giá ổn định thì nay đã không còn mặn mà nữa. Số diện tích dứa trồng các loại của bà con trên địa bàn toàn xã chỉ còn gần 200ha.
Do giá dứa thu mua quá thấp nên bà con ở đây trồng dứa ra chủ yếu chỉ nhập cho tư thương bán lẻ bên ngoài. Trung bình mỗi ha dứa, nếu bán cho nhà máy với giá từ 1.200 đồng đến 4.000 đồng/kg như hiện nay thì bà con phải bù lỗ gần 40 triệu đồng/ha. Nhiều diện tích đến chính vụ không bán được hết khiến bà con vô cùng lao đao.
Cũng theo ông Tiến, để giữ nguồn nguyên liệu dứa ổn định thì cần có chính sách hỗ trợ bà con thích hợp. Đặc biệt, về phía nhà máy thu mua cũng cần có chính sách hợp lý về giá, thời gian thu mua để bà con yên tâm sản xuất.
Còn theo bà con nông dân ở đây phản ánh, việc họ không mặn mà với cây dứa hiện nay là do chính sách về giá thu mua hiện nay quá thấp so với thị trường bên ngoài. Việc phá dứa để chuyển sang trồng cây khác không chỉ ổn định hơn cây dứa mà còn đem lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn đối với nông dân.
Đa số bà con trong vùng nguyên liệu dứa khẳng định, họ sẵn sàng chung thuỷ, sẻ chia với nhà máy nếu như chính sách về giá cả phù hợp, tránh tình cảnh để người dân “bỏ thì thương, vương thì nợ” qua nhiều năm liền.
Ngọc Hùng - Ngọc Thái
.