Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có Công văn chỉ đạo UBND Thị xã về việc di dời hệ thống lồng cá ra khỏi khu vực Cảng Cửa Lò.
Từ Cảng Cửa Lò nhìn ra luồng tàu vào cảng, phía bờ Nam hàng trăm chiếc lồng nuôi cá khổng lồ của bà con ngư dân thuộc các phường Nghi Thủy, Nghi Tân (thị xã Cửa Lò) và Nghi Thiết (Nghi Lộc) dập dềnh giữa muôn vàn sóng nước. Năm 2009, từ một vài hộ nuôi thử nghiệm ban đầu, đến nay đã phát triển lên 55 cụm lồng với hàng trăm ô nuôi cá các loại, trong đó hai phường Nghi Thủy, Nghi Tân có 43 cụm lồng và xã Nghi Thiết có 12 cụm lồng.
Theo nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè cho biết, mỗi năm nếu tận dụng tốt sẽ nuôi được 2 vụ cá, một gia đình thu hoạch từ 10 - 15 tấn cá lồng mỗi năm. Cá lồng lớn nhanh mỗi con có trọng lượng từ 0,5 - 2kg tùy loại, giá bán trên thị trường từ 120 - 250 ngàn dơ`ng/kg. Mô hình nuôi cá lồng đã mở ra một hướng đi mới giúp người dân vươn lên thoát nghèo từ chuyển đổi nghề đánh bắt sang nuôi trồng thủy, hải sản, từng bước phát huy thế mạnh kinh tế biển để làm giàu cho quê hương đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại, việc phát triển nghề nuôi cá lồng trên biển Cửa Lò cũng đã bộc lộ những vướng mắc cần tháo gỡ. Do người dân nuôi tự phát, nên việc phát triển lồng nuôi cá tăng nhanh đáng kể, một số lồng nuôi cá đã neo đậu lấn sâu vào khu vực trong phao giới hạn phạm vi thủy diện luồng của cảng Cửa Lò gây khó khăn, làm mất an toàn hàng hải cho các tàu trong nước và nước ngoài khi ra vào Cảng Quốc tế Cửa Lò.
Các lồng cá được nuôi trên khu vực luồng vào cảng làm mất an toàn giao thông đường thủy
Trước tình hình trên, ngày 2/2/2012, Cảng vụ Hàng hải Nghệ An đã có công văn nhắc nhở các hộ nuôi cá lồng tại khu vực Cảng Cửa Lò, nhằm hướng dẫn bà con thực hiện đúng chỉ giới, phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững để phát triển kinh tế không làm ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy.
Ngày 16/3/2012, Xí nghiệp khảo sát bảo đảm hàng hải miền Bắc và Cảng vụ Hàng hải Nghệ An phối hợp với UBND thị xã và UBND các phường đã tiến hành định vị và thả mốc chỉ giới hành lang an toàn hàng hải. Qua đó, xác định 31 lồng nuôi (Nghi Tân 6 lồng, Nghi Thủy 25 lồng) nằm trong hành lang an toàn buộc phải di dời. Cảng vụ Hàng hải phối hợp cùng chính quyền đã tiến hành lập biên bản từng hộ nuôi cá lồng vi phạm và yêu cầu các chủ lồng cá phải di dời trước ngày 30/3/2012.
Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế việc di dời các lồng cá nuôi giai đoạn này sẽ gặp nhiều vấn đề không thuận lợi: Mỗi cụm lồng nuôi ngư dân cùng góp vốn đầu tư rất lớn (từ 300 - 400 triệu đồng), nhiều hộ chung nhau và phải vay tiền của ngân hàng để đầu tư. Hơn nữa, hiện nay cá nuôi đang trong giai đoạn phát triển mạnh, trong vòng 3 - 4 tháng nữa sẽ thu hoạch xong, nếu di dời sẽ gây thiệt hại lớn đến kinh tế cho nhiều hộ dân.
Vì vậy, ngày 29/3/2012, UBND thị xã Cửa Lò đã có Công văn số 244/UBND-KT đề nghị UBND tỉnh xem xét tạo điều kiện cho nhân dân nuôi tại chỗ đến hết vụ. UBND thị xã sẽ cùng với các ngành chức năng chỉ đạo bà con ký cam kết sau vụ nuôi chậm nhất đến ngày 30/7/2012 phải di dời ra khỏi khu vực và không tái vi phạm.
Sau khi xem xét đề nghị của UBND thị xã, ngày 6/4/2012, UBND tỉnh đã có công văn số 2022/UBND-CN đồng ý cho các hộ dân nuôi cá lồng thu hoạch hết vụ, với điều kiện UBND thị xã phải chỉ đạo các hộ dân cam kết và bảo đảm di dời toàn bộ hệ thống nuôi cá lồng ra khỏi khu vực Cảng Cửa Lò trước ngày 30/7/2012 và không tái vi phạm. Trong thời gian này, UBND thị xã chịu trách nhiệm cùng Cảng vụ Hàng hải chỉ đạo các hộ dân thả lồng cá nuôi vào bờ để đảm bảo không ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông đường thủy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Sơn - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Cửa Lò cho biết: Đến nay việc ký cam kết của các hộ nuôi còn quá ít, chỉ mới có 2 hộ của phường Nghi Tân ký, riêng phường Nghi Thủy chưa có hộ nào ký.
Để việc di dời các lồng cá theo đúng thời gian mà UBND tỉnh yêu cầu, UBND thị xã yêu cầu các phường tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý và tiếp tục chỉ đạo bà con ngư dân ký cam kết bảo đảm sau khi thu hoạch xong, chậm nhất đến ngày 30/7/2012 phải di dời hết các lồng nuôi ra khỏi khu vực cảng. Hiện, thị xã cũng đã tiến hành khảo sát địa điểm nuôi ở khu vực đền Vạn Lộc thuộc phường Nghi Tân với diện tích 2,55 ha. UBND thị xã đang xin chủ trương của tỉnh cho khảo sát quy hoạch để di chuyển các lồng cá đến địa điểm này.
Thiết nghĩ nếu giải quyết được các vấn đề về quy hoạch khu vực nuôi cá lồng một cách hợp lý thì vừa có thể mở rộng diện tích nuôi, đảm bảo nơi trú ẩn cho các bè cá vào mùa biển động vừa đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cho các phương tiện tàu thuyền. Tin rằng, hiệu quả của mô hình nuôi cá lồng vùng nước lợ ở cửa sông Cấm khu vực Cảng Cửa Lò sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho ngư dân thị xã Cửa Lò cũng như ngư dân huyện Nghi Lộc.
Lê Hoa - Hằng Nga
.