Hiện nay, trong các giờ giảng dạy các môn hoá học, sinh học…, hầu hết các trường học đều chưa thể trang bị được những phòng thí nghiệm đạt chuẩn cho các môn học này. Qua khảo sát, thực tế cho thấy tình trạng các chất thải hoá học sau thí nghiệm đang bị thả nổi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng.
Trên địa bàn toàn tỉnh có 539 trường trung học (trung học cơ sở và trung học phổ thông). Theo phân phối chương trình giáo dục trung học mới, các bài tập hoá học có nội dung liên quan đến thực tiễn như: Hoá học ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, sức khoẻ con người, môi trường, du lịch quốc phòng… đều tăng giờ học thực hành, thí nghiệm, do đó lượng chất thải hoá học cũng tăng theo hàng ngày.
Phòng thí nghiệm là nơi học tập nghiên cứu, tuy nhiên đó cũng là nơi đặc biệt nguy hiểm nếu không tuân thủ quy tắc an toàn bởi trong số hoá chất sử dụng thực nghiệm có những loại độc và cực độc. Hầu hết các trường đều chưa có hệ thống xử lý rác, chất thải nguy hại, các bình hoá chất được đóng bằng thùng catton để riêng, lâu ngày bị ẩm, bốc mùi. Chính vì thế mà trong các giờ thí nghiệm, cả thầy và trò đành phải chấp nhận sự ô nhiễm để hoàn thành việc dạy và học.
Tại Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh), trường có gần 2.000 học sinh, trung bình mỗi năm có khoảng 200 giờ thực hành hoá học, chi phí khoảng 7 triệu - 10 triệu đồng bổ sung hoá chất/năm học, học sinh chủ yếu thực hành những thí nghiệm đơn giản, ít nguy hiểm và dụng cụ dễ kiếm nhằm đảm bảo cho thí nghiệm thành công.
Với chất thải hóa chất hàng ngày, nhà trường dùng bể phốt để xử lý. Tuy nhiên, bể phốt cũng chẳng giải quyết được vấn đề xử lý hóa chất nguy hiểm đậm đặc, mà chỉ xử lý được một số hóa chất hữu cơ, vi khuẩn và các chất vi sinh…, còn số chất thải hóa chất không thể triệt tiêu trong môi trường đó được.
Bất cập hơn là những loại hoá chất tồn dư do để lâu không được sử dụng nên đã mất tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, các bình hoá chất dùng dở, hiện nhà trường vẫn để nguyên trong kho chưa có biện pháp xử lý, điều đáng lo ngại là số hóa chất đó có nguy cơ cháy nổ và nhiễm độc hóa học cao. Nhà trường nhiều lần đề xuất với ngành giáo dục và cơ quan chức năng nhưng chưa được hồi âm.
Còn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) có 1.772 học sinh/42 lớp, theo phân phối chương trình năm học này có 22 bài phải thực hành trong phòng thí nghiệm, nhưng các thiết bị đều thiếu và không đồng bộ. Khảo sát một số trường trên địa bàn huyện như: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn và một số trường khác trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thực sự rùng mình với cách “xử lý” chất thải hóa chất tại đây.
Phần nước thải hóa chất đậm đặc gom lại, rồi đổ vào một cái hố đào sâu, sau đó rắc ít vôi bột lên và chôn lấp, số khác thì đổ theo mương dẫn thoát nước của nhà trường và xả thẳng vào môi trường, một số rác thải cứng như: vỏ, thùng, túi nilon đựng hóa chất thì được đào hố chôn.
Như vậy câu hỏi được đặt ra là một trường sử dụng hết khoảng 10 triệu đồng/năm dùng để mua hóa chất thí nghiệm, vậy trong cả tỉnh với số lượng mấy trăm trường thì lượng chất thải hóa chất đó sẽ là bao nhiêu (!?) và số hóa chất đậm đặc nguy hiểm được thải vào môi trường sẽ gây ra những hệ lụy gì cho hệ sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người?
Thầy Phạm Hoà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật cho biết: Chúng tôi cũng mong muốn các ban, ngành chức năng sớm giúp các nhà trường xử lý chất thải hoá học sau giờ thí nghiệm, đồng thời tiêu huỷ số lượng hoá chất tồn dư không sử dụng được theo đúng quy trình để giữ môi trường trong sạch và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, mà trước mắt là bảo vệ sức khoẻ của chính các em học sinh.
Một số giáo viên giảng dạy môn hoá, sinh, lý lại thẳng thắn trao đổi: “Với những bài thí nghiệm phức tạp phải sử dụng hoá chất độc hại, nhiều khi phải dùng phương pháp sử dụng đĩa hình thí nghiệm thay thế thực nghiệm trong phòng, vừa bảo đảm an toàn cho thầy trò, lại không gây ra những hệ lụy tới sức khoẻ của nhân dân”.
Hiện nay, số lượng chất thải sau thí nghiệm trong các trường phổ thông đang là vấn đề còn bỏ ngỏ, không được xử lý đúng quy trình, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, về lâu dài mức độ nguy hại ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống, xâm thực hủy diệt môi trường môi sinh, ô nhiễm nguồn nước ngầm…
Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành liên quan cần xây dựng một số quy định về bảo vệ môi trường trong trường học, nhất thiết phải có các văn bản hướng dẫn và tìm cách tháo gỡ vấn đề xử lý chất hoá học trong các trường học.
Trích nguồn kinh phí hàng năm để “quy hoạch” hệ thống xử lý chất thải hóa chất và rác thải nguy hại tại trường. Có như vậy thì mới ngăn chặn được ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp như hiện nay, đảm bảo sức khoẻ cho học sinh cũng như môi trường xung quanh.
Hằng Nga
.