Thực hiện đề án trồng nấm của UBND huyện Yên Thành, đầu năm 2011, 15 hộ dân đầu tiên của xã Khánh Thành bắt tay vào trồng nấm với sự hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống từ chính quyền. Qua một năm triển khai, nghề trồng nấm đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nhiều nông dân trên địa bàn thoát nghèo, tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Để tạo sự liên kết trong sản xuất, tổ hợp tác bao gồm những người trồng nấm được ra đời ngay sau khi nghề mới và hiệu quả này được phát triển trên địa bàn.
Tổ hợp tác sản xuất nấm có nhiệm vụ tham mưu cho Ban chỉ đạo sản xuất nấm của xã xây dựng kế hoạch sản xuất theo từng tháng, từng quý, từng loại nấm. Đồng thời, chủ động cung ứng giống và vật tư. Để tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, UBND xã hỗ trợ chi phí hoạt động cũng như chi phí khi các hộ trồng nấm mua lò hấp, máy hấp và một phần kinh phí xây dựng lán trại.
Trồng nấm mỡ tại xã Khánh Thành
Ông Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thành cho biết: “Việc tham gia vào tổ hợp tác sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người trồng nấm trong sản xuất và tiêu thụ như học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; giúp tạo nên nhiều kênh quảng bá và đầu mối tiêu thụ; hỗ trợ lẫn nhau trong khâu xử lý nguyên liệu giúp tiết kiệm lao động trong sản xuất”.
Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, Tổ hợp tác sản xuất nấm cử ra một số thành viên chịu trách nhiệm đi thăm dò, tìm hiểu nhu cầu thị trường ở các địa phương khác nhau và kí kết hợp đồng với các đầu mối.
Nhờ sự liên kết trong khâu sản xuất và tiêu thụ, từ tháng 6/2011 đến đầu năm 2012, Tổ hợp tác sản xuất nấm Khánh Thành đã cung ứng cho thị trường trên 30 tấn nấm các loại với mức giá trung bình 30.000đ/kg, mang lại giá trị tương đương 1 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng như hộ anh Phạm Xuân Phúc, Nguyễn Văn Thiên, Thái Viết Mỹ, Nguyễn Xuân Phùng...
Anh Thái Viết Mỹ - thành viên tổ hợp tác và là người chịu trách nhiệm hợp đồng bao tiêu với thị trường huyện Tân Kỳ cho biết: “Ban đầu nắm bắt thị trường tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau một thời gian mày mò tìm hiểu đã liên hệ được với các đầu mối. Hợp đồng bao tiêu sản phẩm được thực hiện trong cả năm nên dù thị trường có biến động thì người trồng nấm chúng tôi vẫn giữ được đầu ra ổn định”. Tại thị trường thành phố Vinh, hiện nay có nhu cầu 1 tạ nấm/ngày nhưng vẫn chưa có đủ sản phẩm để cung ứng cho thị trường rất tiềm năng này.
Mô hình liên kết này ngoài hiệu quả về kinh tế còn mang lại hiệu quả về mặt xã hội, đó là tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người trồng nấm. Trong thời gian tới, hình thức liên kết này cần được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện để nghề nấm thực sự là nghề bền vững, giúp nông dân Yên Thành thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Lan Thái
.