Khe Đóng hết đói nghèo rồi cán bộ ạ! Anh Lê Thắng, người dân bản Khe Đóng (xã Thạch Ngàn, Con Cuông, Nghệ An) đã mở lòng như vậy.
Chúng tôi vào thăm bản Khe Đóng, vì không thông tin trước, nên khi vào cán bộ thôn, bản đi vắng. Tôi nghĩ đây là cơ hội để trực tiếp nghe bà con phản ánh trung thực hơn, bởi dẫu sao có cán bộ thôn, bản phần nào làm mất cái tự nhiên của bà con.
Khe Đóng là bản thuộc vùng sâu của xã, có 120 hộ với trên 500 khẩu, gần 100% là bà con dân tộc Thái. Sau mấy năm không có dịp trở lại nay thấy nhiều sự đổi thay đến bất ngờ. Thay cho những túp lều ngày xưa bây giờ là những ngôi nhà khang trang, cây trái trong vườn nhà nào cũng xanh tốt. Khe Đóng ngày xưa được gọi lệch sang là khe đói, bởi gần như quanh năm thiếu lương thực.
Cây mía đã giúp người dân khe Đóng thoát nghèo
Khi không đủ ăn kéo theo nhiều vấn đề phải quan tâm từ thiếu ăn, thiếu mặc sinh ra bệnh tật, đau yếu, con trẻ không được đến trường, rồi thì đói phải vào rừng, không có vốn thì đi chặt thuê, kéo gỗ thuê cho “lâm tặc” cứ thế kéo dài hàng năm càng làm cho thôn, bản vốn đã quạnh hiu, càng thêm hiu quạnh.
Khi có Nhà máy đường Sông Lam lên đóng tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, cùng với phân vùng nguyên liệu mía của tỉnh giao cho huyện Con Cuông, UBND huyện giao cho xã Thạch Ngàn xây dựng vùng nguyên liệu mía, mà Khe Đóng là trung tâm của vùng nguyên liệu.
Có chủ trương rồi, để cây mía vào đồng đất Khe Đóng cũng không dễ, bởi tập quán canh tác nương rẫy và khai thác lâm sản đã ăn sâu cả ngàn đời nay trong bà con các dân tộc thiểu số nơi đây. Huyện Con Cuông có chủ trương khai hoang đất mía, kinh phí huyện hỗ trợ, giống mía do Nhà máy đường Sông Lam cung cấp, huyện đứng ra tín chấp với ngân hàng vay vốn cho dân đầu tư mua phân bón, phần gốc đến mùa thu hoạch mía xong dân trả, phần lãi huyện trích ngân sách trả cho ngân hàng.
Cơ chế chính sách đã rõ ràng, nhưng để cây mía bén đất Khe Đóng cũng còn nhiều gian nan. Nhờ kiên trì vận động, thuyết phục bà con thay đổi cây trồng, cây mía bén dần đất mới, đầu tiên chỉ vài chục hộ rồi cả bản nhà nào có đất cũng đem cây mía vào trồng. Hộ trồng nhiều như gia đình anh Thắng - chị Loan, gia đình anh Tâm, ông Quế… Nhờ có cây mía đã làm cho cuộc sống của nhiều gia đình thay đổi, không còn cảnh ăn bữa sáng lo bữa tối.
Chúng tôi dừng lại ở cánh đồng mía bạt ngàn ở Huồi Co Sàn (tiếng Thái là khe Cây Trổ). Anh Nhung, Chủ tịch ghé tai nói nhỏ với tôi, đây là ruộng mía của đôi vợ chồng trước kia một thời là “lâm tặc”. Năm 1982, họ quẳng dao, gác rìu vào đây khai hoang lập đất, nay là người có thể nói giàu nhất xã Thạch Ngàn.
Nhờ cây mía, nhiều gia đình đã có vốn phát triển trang trại
Gặp vợ chồng anh Thắng, chị Loan đang đi kiểm tra ruộng mía để chuẩn bị thuê người chặt mía bán cho Nhà máy đường, anh chị mời chúng tôi vào thăm trang trại. Anh Thắng vui vẻ nói: Nhờ Đảng có chủ trương đưa cây mía cho dân trồng, ngân hàng cho vay cái vốn làm ăn bây giờ đời sống của nhà em không còn lo cảnh túng đói nữa.
Vợ chồng anh nhận trồng 5 ha mía, năng suất bình quân 60 tấn/ha, giá cả như năm ngoái trừ mọi khoản đầu tư chi phí, trả công thuê, anh chị thu lãi 110 triệu đồng.
Như để chứng minh cho phần lãi có thực, anh chỉ cho chúng tôi đàn trâu hơn 10 con, con nào cũng to khoẻ béo mập; đàn dê 35 con anh chị vừa mua về cách đây mấy tháng; đàn lợn hơn 30 con, ngoài ra anh chị đã tập kết gần đủ vật liệu để cất một ngôi nhà to đẹp, chưa nói đến ao cá hơn 3.000m2 hàng năm cho gần 1 tấn cá thịt vừa bán vừa ăn cũng còn dư thêm cả 100 triệu đồng. Tất cả nhờ cây mía cả các bác ạ! Anh Thắng hồ hởi cho biết.
Chia tay gia đình anh Thắng, chia tay Khe Đóng ra về, đi trong bạt ngàn mía, mùi mật đã dậy lên trong gió, lòng tôi rạo rực niềm vui. Câu nói xuất phát từ đáy lòng người dân Khe Đóng rằng: “Nhờ Đảng cho chủ trương đưa cây mía về cho dân trồng. Ngân hàng cho dân vay cái vốn làm ăn! Bây giờ Khe Đóng nhà nào cũng có trâu, có bò, có nhà cửa khang trang, thóc, ngô đầy bồ…!”. Khe đói ngày xưa bây giờ thành khe vàng, khe bạc…
Phùng Văn Mùi
.