Tăng giá điện sẽ khiến người dân thắt chặt hơn nữa chi tiêu |
Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc EVN, hiện các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều điện như thép, xi măng, khoáng sản, dệt may, hóa chất… đang tiêu thụ khoảng 47% tổng sản lượng điện, đặc biệt là thép và xi măng.
Trong khi đó, giá bán điện cho thép và xi măng lại thấp hơn giá bán điện bình quân khoảng 160-195 đồng/kWh.
Ông Lộc còn cho biết, các khoản nợ của EVN đối với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn than-khoáng sản Việt Nam lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ tạm khoanh lại, đợi đến khi tăng giá điện lần tới sẽ cân đối trả sau.
Trong phát biểu tại hội nghị tổng kết tiết kiệm điện sáng 9/3, ông Lộc cũng kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện cho hợp lý hơn, trừ việc giữ nguyên giá điện hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp.
Ngoài ra, ông Lộc còn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp cải tiến công nghệ sản xuất đang sử dụng, sớm áp dụng biện pháp bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các ngành tiêu tốn nhiều điện như thép, xi măng, hóa chất … và tiến tới cấm nhập khẩu thiết bị hiệu suất thấp trong sản xuất nhưng tiêu tốn nhiều điện.
Cũng theo ông Lộc, một lo ngại khác của ngành điện là sau khi giá gas tăng quá cao gần đây, người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng bếp điện, bếp điện từ... gây thêm áp lực về quá tải nguồn điện. Ông nói nếu như mỗi gia đình đều thay bếp gas bằng bếp từ, loại bếp từ 2 kW, thì nguồn cung điện sẽ không chịu nổi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết về giá bán điện, hiện nay Chính phủ đã có chủ trương nhất quán là giá điện, than, xăng dầu trong thời gian tới phải được điều chỉnh theo hướng tiệm cận với giá thị trường.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh với mức độ, thời gian nào thì Chính phủ sẽ xem xét, cân nhắc kỹ để một mặt cải thiện được tình hình tài chính của ngành điện, đồng thời cũng đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát.
“Hiện nay ngành điện đang rà soát lại tất cả các chi phí đầu vào để xác định xem giá thành sản xuất điện bị thay đổi bao nhiêu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có con số cụ thể. Chúng ta cần phải nhớ rằng, ngành điện hiện vẫn còn treo một khoản nợ rất lớn kéo dài trong 2 năm 2010, 2011 cho nên trong thời gian tới, nếu điều kiện cho phép thì cũng xem xét cho điều chỉnh giá điện để cải thiện tình hình tài chính ngành điện”, ông Vượng nói.