Trong hàng chục năm qua, tình trạng sạt lở đất ở Nam Cường thường xuyên diễn ra gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như phát triển kinh tế, xã hội của bà con.
Trước đây, khi bãi đất ven sông còn rộng, nơi này có ba làng với hơn 700 hộ dân sinh sống. Nhưng từ năm 1960 về sau, lần lượt hai làng đã phải di cư lên các huyện miền núi như Tân Kỳ, Nghĩa Đàn... để xây dựng vùng kinh tế mới.
Cho đến sau trận lụt lịch sử 1978, do sạt lở đất ngày một nghiêm trọng, hơn 250 hộ dân của làng còn lại cũng đã phải chuyển vào trong đê sinh sống. Không những thế, hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Nam Cường cũng đã bị dòng sông “ngoặm” mất. Từ sau đợt lũ hồi đầu tháng 09/2011, tình trạng sạt lở đất càng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Mặc dù trước đó, vào thời điểm năm 2007, ngành đường sắt đã cho đóng một hàng cọc bê tông dài chừng 2km để “chắn” cho diện tích đầu bờ, cũng là để đảm bảo hệ thống thông tin đường sắt qua đoạn cầu Yên Xuân. Thế nhưng sau gần 4 năm, hàng cọc trước đây vốn được dựng trên diện tích đất sản xuất của bà con cũng đã “đứng trơ trọi” ra giữa lòng sông.
Sau chừng ấy thời gian, nước sông đã ăn vào bờ chừng 30m, có chỗ thậm chí lên đến 40m - 50m. Nước ngập trắng xóa các khu dân cư ven đê, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân. Các phương tiện tham gia giao thông và việc đi học của học sinh cũng bị cách trở. Nước ngập qua đê, qua các tuyến đường còn gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất hoa màu của nhiều hộ dân.
Hiện tại, tình trạng sạt lở đất đang diễn ra trên gần 3km tính theo chiều dài bờ sông và đã cuốn trôi 200 ha trong tổng số 207 ha đất sản xuất. Như vậy, diện tích đất sản xuất cũng chỉ còn vẻn vẹn 7 ha thuộc phần canh tác của người dân xóm 4.
Không chỉ có đất sản xuất bị cuốn trôi, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn chạy qua địa phận xã Nam Cường cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng và có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất cách cầu đường sắt Yên Xuân 100m, tại đây sông đã ăn sâu vào đất hơn 40m và chỉ còn chưa đầy 20m nữa sẽ tới đường sắt. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời thì đường sắt cũng khó tránh khỏi nguy cơ bị đổ xuống sông.
Trước tình hình sạt lở ngày một trở nên nghiêm trọng, xã Nam Cường cũng như huyện Nam Đàn đang khẩn trương xây dựng kè nhằm ngăn chặn việc sạt lở bờ bãi sông, đảm bảo sự ổn định lâu dài cho toàn đoạn đê, đáp ứng công tác phòng, chống lụt bão trước mùa mưa bão 2012.
Công trình xây dựng kè chống sạt lở ở Nam Cường đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng
Dự án kè chống sạt lở bờ hữu sông Lam đoạn qua xã Nam Cường được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5501/QĐ - UBND ngày 22/10/2009 và giao cho UBND huyện Nam Đàn làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng được cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước. Dự án này do liên doanh Công ty TNHH Thành Đồng và Công ty hợp tác kinh tế Việt Lào đảm nhận nhiệm vụ thi công.
Theo ông Thái Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Nam Cường, đoạn kè chống xói lở xây mới dài 1.000m tính từ xóm 3A đến chân cầu Yên Xuân. Hiện tại, công trình đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng. Do đây là hạng mục công trình phòng chống thiên tai mang tính cấp bách, cần sớm được xây dựng trong thời gian nhanh nhất nên dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30/6/2012.
Đây là một trong những dự án quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai lũ lụt, góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho dân cư, góp phần tạo cảnh quan môi trường trên địa bàn xã Nam Cường nói riêng và huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nói chung.
Lê Hoa - Hằng Nga
.