Điều kiện tự nhiên gặp rất nhiều khó khăn nhưng người dân Thống Nhất bằng bàn tay và khối óc của mình đã biến những quả đồi cằn cỗi thành những rừng thông có giá trị và những trang trại tổng hợp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 1965, theo chủ trương của Nhà nước, hơn 80 hộ dân từ làng Đồng Trung - Đông Sơn đã đi bộ cả ngày trời, vượt đỉnh Động Giang, len lỏi qua nhiều ngọn đồi để tìm nơi khai hoang, lập nghiệp. Nhận thấy đây là vùng đất có địa thế thuận lợi, được nhiều ngọn núi bao bọc như một thung lũng nên họ đã dừng chân và hình thành nên Hợp tác xã Thống Nhất.
Cuộc sống ngày đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là khi trời mưa to, nước từ các ngọn núi đổ về, Thống Nhất bị cô lập như một ốc đảo. Nhưng từ khi con đường từ trung tâm xã Đông Sơn vào xóm được nâng cấp, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, Thống Nhất đã có điều kiện để khởi sắc về kinh tế.
Là vùng bán sơn địa, bên cạnh việc tận dụng diện tích đất nông nghiệp để trồng lúa đảm bảo lương thực, người dân Thống Nhất đã phát huy lợi thế đất màu và diện tích rừng để phát triển kinh tế một cách đa dạng và mang lại hiệu quả. Hiện tại, xóm có trên 500 con trâu, bò, 3 trang trại kinh tế tổng hợp và 2 trang trại chăn nuôi đều mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ở vùng núi khô cằn này, cây chè xanh đã thực sự mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân nơi đây. Với giá bán ra thị trường có thời điểm lên 20.000/bó chè, giá trị mà cây trồng này mang lại đã làm thay đổi đời sống cho người dân. Chè xanh Thống Nhất đã có thương hiệu trên thị trường Đô Lương và nhiều vùng trên địa bàn tỉnh.
Cây chè mang lại thu nhập cao cho người dân Thống Nhất
Bên cạnh cây chè, cây thông cũng trở thành cây kinh tế chủ lực của người dân Thống Nhất. Hiện nay, xóm có trên 70 hộ thường xuyên khai thác nhựa thông với thu nhập mỗi gia đình khoảng 4 triệu đồng/tháng. Người dân Thống Nhất bằng nhiều hình thức phát triển kinh tế đa dạng đã biến một vùng đất khô cằn trở nên trù phú, nâng thu nhập bình quân đầu người của xóm lên 20 triệu đồng/năm.
Đặc biệt Thống Nhất khởi sắc hơn từ năm 2008 đến nay, khi đã có 14 người tham gia đi xuất khẩu lao động tại các nước như Malaixia, Nga… Lực lượng lao động này mang lại nguồn thu nhập lớn với số kiều hối gửi về địa phương mỗi năm trên 100 triệu đồng/người, giúp cho nhiều gia đình Thống Nhất thoát nghèo bền vững.
Đời sống của người dân được nâng lên rõ nét, những ngôi nhà cao tầng đang thi nhau mọc lên dưới chân các sườn núi. Thống Nhất có 250 hộ nhưng không còn nhà tranh, nhà tạm. Toàn xóm thu nhập trên 4 tỷ đồng/năm từ trồng chè. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn trên 8%. Cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp, phục vụ đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Trò chuyện về sự khởi sắc kinh tế của Thống Nhất, xóm trưởng Nguyễn Văn Vinh chia sẻ: “Người dân Thống Nhất cần cù và chịu khó, đặc biệt xóm có 5 tổ hợp tác xã phát triển kinh tế tự quản, thường xuyên thi đua sản xuất nên thúc đẩy sự phát triển kinh tế của xóm”.
Thống Nhất bây giờ không còn những ngọn đồi khô cằn như trước mà thay vào đó là màu xanh của những trang trại tổng hợp, của bạt ngàn rừng thông, rừng tràm, keo xen lẫn những đồi chè tươi tốt.
Xuân Thống
.