Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201203/18760-can-thiet-va-cap-bach-398601/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201203/18760-can-thiet-va-cap-bach-398601/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần thiết và cấp bách - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 06/03/2012, 08:10 [GMT+7]
18760

Cần thiết và cấp bách

Thực trạng việc làm cho thanh niên miền núi hiện nay
 
Do rừng ngày càng được quản lý chặt, diện tích đất sản xuất ở miền núi không nhiều, trong khi lực lượng lao động bổ sung về nông thôn, miền núi ngày càng đông thêm dẫn đến sức ép về việc làm cho thanh niên ngày càng cấp bách. Chưa thể thống kê đầy đủ, nhưng chắc chắn rằng số thanh niên có việc làm và việc làm phù hợp hiện nay ở nông thôn, miền núi không nhiều.
 
Thực tế tại huyện miền núi Con Cuông cho thấy, tổng diện tích tự nhiên của huyện Con Cuông là 174.451,15 ha, trong đó diện tích rừng có 125.956,7 ha; diện tích sông suối, mặt nước hơn 20.000 ha, còn lại chưa đầy 30.000 ha diện tích đất ở, đồi vệ và đất sản xuất.
 
Nếu tính bình quân đất canh tác trên đầu người tại Con Cuông chưa đầy 300 m2, diện tích đất sản xuất đã ít lại toàn đất đồi vệ nên chỉ phù hợp với việc làm của bậc trung niên trở lên, trong khi hàng năm có hàng ngàn thanh niên rời ghế nhà trường, bổ sung về nhà sản xuất.
 
Hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên nông thôn, miền núi đang là bài toán khó 
cho các nhà hoạch định chính sách
 
Khi miền Tây Nghệ An được thế giới công nhận là khu sinh quyển, trong đó phần lớn diện tích rừng Con Cuông, đồng nghĩa với việc rừng được quản lý nghiêm ngặt thêm, để bảo tồn rừng tự nhiên, nên việc phát triển nghề rừng cũng hạn chế, càng làm cho việc giải quyết việc làm cho thanh niên vốn đã khó lại càng khó thêm.
 
Hàng năm, lực lượng lao động trẻ ở Con Cuông bổ sung vào đội quân “Nam tiến” ngày một đông. Bình quân mỗi năm có vài ngàn thanh niên vào Nam, ra Bắc tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, chủ yếu là lao động thủ công, lao động chân tay.
 
Số còn lại ở nhà sản xuất, do thiếu đất, thiếu vốn, thiếu cả nghề cầm tay, nên cứ thế bổ sung vào cho huyện thêm số hộ nghèo và cận nghèo. Chỉ tính riêng việc xoá nhà tạm bợ, dột nát trên địa bàn huyện, năm 2005, huyện Con Cuông đã cơ bản xoá xong nhà tạm bợ, dột nát cho những hộ nghèo từ 35 tuổi trở lên. Năm 2011, thông qua Chương trình 134-CP và 167 của Chính phủ, huyện Con Cuông lại phải xoá thêm hơn 2.300 hộ nhà tranh tre tạm bợ.
 
Do không có việc làm và không nghề cầm tay, nên tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn, miền núi đang còn rất cao (trên 50%). Thu nhập ngoài trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ không thể thoát nghèo nhanh được. Bên cạnh hệ lụy của không có việc làm là những tệ nạn, tiêu cực xã hội sẽ xảy ra như rượu chè, cờ bạc, ma tuý, trộm cắp, cướp giật và cả việc gây rối trật tự làm ảnh hưởng đến an ninh, ảnh hưởng đến sản xuất và xây dựng đời sống văn hoá mới tại cộng đồng dân cư… đều do “Nhàn cư vi bất thiện” mà ra.
 
Vì vậy, việc làm cho thanh niên vùng nông thôn, miền núi hiện nay đang rất cần lời giải… mà việc tập trung hướng nghiệp dạy nghề cho thanh niên là rất cần thiết.
 
Hướng nghiệp dạy nghề cho thanh niên là rất cần thiết và cấp bách
 
Mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đang nhích lại gần, trong khi tỷ lệ hộ đói nghèo hiện nay ở nông thôn, miền núi đang còn rất cao. Bên cạnh giải pháp mang tính đối phó như xuất khẩu lao động, thành lập các khu kinh tế của thanh niên xung phong… theo chúng tôi, việc hướng nghiệp dạy nghề tại chỗ cho thanh niên là việc nên làm và chắc chắn sẽ có hiệu quả thiết thực, bền vững nhất.
 
Hướng nghiệp dạy nghề cho thanh niên cần nắm rõ tâm lý và đặc điểm, phải căn cứ vào vùng nguyên liệu và nhu cầu của từng vùng. Hiện nay, đa số trung tâm hướng nghiệp dạy nghề đang tập trung nhiều về các nghề như điện, điện tử, sửa chữa xe máy, cơ khí... trong khi không ít cơ sở kiểu này hiện không có việc làm.
 
Theo chúng tôi, bên cạnh việc mở lớp cần kết hợp với mở ra các công xưởng, kêu gọi các nhà đầu tư về các vùng, đầu tư vốn vay cho họ, khuyến khích họ mở ra các cơ sở sản xuất; ngành lao động - xã hội phối hợp với các cơ sở này để đào tạo nghề cho thanh niên. Tất nhiên ban đầu phải hỗ trợ kinh phí cho họ học nghề, tổ chức đào tạo miễn phí. Các ngành thương mại dịch vụ vào cuộc bao tiêu sản phẩm cho thanh niên.
 
Nông thôn và miền núi có nguồn lao động dồi dào, nguồn nguyên liệu không thiếu, nhất là miền núi, bên cạnh các nghề truyền thống như đan lát, thêu, dệt vải, làm chăn gối, nệm… đang bị mai một.
 
Đảng và Nhà nước nên đặt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực lao động cho nền sản xuất theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá ngày mai là chính, để có chính sách kêu gọi, hỗ trợ vốn, giao nhiệm vụ đào tạo cho các công ty, có chính sách miễn giảm hoặc không thu thuế, kéo các nhà đầu tư về với nông thôn, miền núi.
 
Hướng nghiệp cho thanh niên phải theo cách vừa học, vừa làm, phải đa dạng hoá, nhưng phải có thu nhập hỗ trợ, để lôi cuốn, thu hút thanh niên tham gia. Không ít thanh niên hiện nay muốn tự chủ cuộc sống, muốn kiếm tiền chính đáng, nhưng do hoàn cảnh không có việc làm. Mở ra các cơ sở sản xuất tại các địa phương, ngoài tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề trực tiếp cho thanh niên, vừa không phải lo nơi ăn ở, ngủ, nghỉ cho họ, bởi họ ăn cơm nhà đi học.
 
Bên cạnh đó, công tác tập hợp, quản lý thanh niên rất thuận lợi, nhằm đưa hoạt động thanh niên đi vào nề nếp như trước đây. Hiện nay, xu thế cho con em đi học nghề đang phát triển, nhưng do không có kinh phí, lại lo học xong không có vốn làm ăn, học phí ăn ở, đi lại, học hành ngoài khả năng của nhiều bậc phụ huynh.
 
Trong khi nguồn lao động của chúng ta đại bộ phận lại chưa qua đào tạo. Các cơ sở dạy nghề chỉ tập trung ở thành phố, thị xã… là những cản trở không nhỏ cho việc học nghề của thanh niên nông thôn, miền núi.
 
Mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra: Đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020! Công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, cần phải có đội ngũ lao động có kỹ thuật?!
 
Vì vậy, ngay từ bây giờ các nhà hoạch định chính sách xã hội phải xem việc hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên nói chung, thanh niên nông thôn, miền núi nói riêng là việc làm cấp bách và rất cần thiết, bởi thời gian hoàn thành mục tiêu đã… cận kề!

Phùng Văn Mùi
.