Trong thời gian qua, nhiều mặt hàng thiết yếu như: điện, xăng dầu “đua” nhau tăng giá, liên tiếp thiết lập những mức tăng “kỷ lục” mới đã khiến cho giá cả, chi phí của nhiều sản phẩm, dịch vụ chưa “đến hẹn” vẫn … tăng theo. Cuộc sống người dân vốn đã chật vật, khó khăn trước “bão giá”, thông tin về khung giá viện phí mới sẽ được áp dụng trong thời gian tới khiến cho nhiều người, nhất là những người nghèo, người lao động có thu nhập thấp không khỏi lo lắng, băn khoăn.
Tăng viện phí: người nghèo thấy… lo
Trước những băn khoăn của người dân về mức đề xuất điều chỉnh tăng viện phí đưa ra được cho là quá cao, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi khám, chữa bệnh của những người nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp, Bộ Y tế cho rằng: Việc điều chỉnh giá về cơ bản sẽ không làm ảnh hưởng đến khoảng 53 triệu người đã có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 62% dân số cả nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, số người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi đề án viện phí mới được áp dụng. Bởi khi giá dịch vụ y tế tăng thì với mức chi trả là 5% hoặc 20% số tiền mà nhiều người bệnh có bảo hiểm y tế phải trả cũng sẽ tăng lên theo.
Trong khi đó, có không ít trong số những người sử dụng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh là người nghèo, người thuộc diện cận nghèo mang bệnh nặng, vượt quá khả năng chi trả của bản thân và gia đình.
Khi đưa ra lý do để đề xuất điều chỉnh giá viện phí lần này, Bộ Y tế, tác giả của đề án cho rằng: Chi phí y tế mà người dân nước ta phải trả thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, khi đưa ra so sánh như vậy, cần phải căn cứ vào tỷ trọng của chi phí dành cho y tế so với mức thu nhập bình quân của người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, những người có thu nhập thấp dưới 1 triệu đồng/tháng. Hiện đang tồn tại một khoảng cách chênh lệch khá lớn về mức thu nhập giữa các vùng nông thôn, miền núi và thành thị.
Những người có thu nhập ổn định ở thành phố khi chẳng may mắc bệnh nặng phải vào viện chữa trị cũng đã khá chật vật. Với những người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nếu lâm vào hoàn cảnh tương tự phải vào viện chạy chữa thì chắc chắn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Tăng viện phí phải đi liền với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Cũng theo Bộ Y tế, khung giá của các dịch vụ y tế ban hành từ năm 1995, đến nay đã qua 15 năm chưa được điều chỉnh nên không phù hợp với tình hình giá cả và các chi phí thực tế để thực hiện dịch vụ hiện nay. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, chi phí dịch vụ mà nhiều bệnh viện áp dụng từ lâu đã không còn tuân theo bảng giá cũ.
Hầu hết các bệnh viện từ tuyến huyện, tỉnh, thành phố đến Trung ương đều đã “xé rào” thu mức phí khám bệnh “vào cửa” từ 30.000 đồng - 50.000 đồng.
Mức thu phí này chưa bao gồm chi phí phải trả các dịch vụ ở từng khâu như: xét nghiệm, chiếu, chụp... vốn đã gần như ngang bằng, thậm chí cao hơn so với mức đề xuất mà Bộ Y tế đưa ra. Vấn đề là, những chi phí dịch vụ y tế mà người dân phải nộp lại chưa phải là duy nhất trong quá trình điều trị.
Tăng viện phí cần tỷ lệ thuận với chất lượng khám, chữa bệnh
Một vấn đề khác cần quan tâm là, mặc dù hầu hết các bệnh viện ở các tuyến điều trị đã “xé rào” tăng phí các dịch vụ y tế trong thời gian qua nhưng không vì thế mà chất lượng khám, chữa bệnh được tăng lên theo.
Trong những thời điểm bệnh viện có đông bệnh nhân, người bệnh đã trả chi phí cho một giường nằm nhưng thực tế vẫn phải chấp nhận cảnh chen chúc nằm đôi, nằm ba, thậm chí có khi người bệnh còn phải nằm vật vạ dưới sàn nhà hay ngoài hành lang của bệnh viện.
Thái độ phục vụ, ứng xử với bệnh nhân của một số y, bác sỹ còn chưa đúng chuẩn mực, nặng tính ban ơn và còn mang cơ chế xin - cho. Hiện tượng “phân biệt đối xử” với bệnh nhân có bảo hiểm y tế cũng không phải là cá biệt. Câu hỏi đặt ra là, khi bảng dịch vụ y tế mới mà Bộ Y tế đưa ra chính thức được áp dụng vào thực tiễn thì những tồn tại, bất cập trong chất lượng khám, chữa bệnh nêu trên có được khắc phục?
Đòi hỏi về nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong các bệnh viện đang là vấn đề cấp bách. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Việc điều chỉnh tăng giá viện phí so với khung giá đã ban hành cách đây 15 năm là điều cần thiết.
Mặc dầu vậy, dịch vụ y tế trong các bệnh viện công lập hiện nay đều do Nhà nước quản lý và bảo trợ về ngân sách. Vì vậy, khi điều chỉnh tăng, cơ cấu giá cho mỗi loại dịch vụ y tế cần phải được tính toán khoa học, công khai đồng thời phải có một lộ trình tăng phù hợp để không trực tiếp ảnh hưởng đến người bệnh và gia đình họ.
Bên cạnh đó, với mức viện phí có hạng mục tăng cao đến cả chục lần như đề xuất, nếu không có các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người có thu nhập thấp không may mang bệnh nặng phải điều trị lâu dài, sẽ có nhiều bệnh nhân trong số đó không thể đủ tiền chữa bệnh, ngay cả khi họ đã có tấm thẻ bảo hiểm y tế “che chở”. Và như thế, lúc đó viện phí sẽ là một gánh nặng vượt quá sức chịu đựng đối với họ.
Bùi Minh Tuấn
.