Sự phát triển của các làng nghề đã giải quyết được nhiều lao động ở Đô Lương, nhất là lao động trong thời gian nông nhàn. Sự phát triển đó làm cho đời sống, thu nhập của người lao động trong huyện được nâng lên, góp phần giảm hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ giàu.
Làng nghề phát triển đã đưa giá trị sản xuất ở khu vực hộ gia đình và làng nghề chiếm khoảng 30% giá trị sản xuất CN - TTCN toàn huyện. Đã xuất hiện một số làng nghề đạt giá trị sản xuất ngày càng cao, thu hút nhiều lao động như làng nghề dâu tằm tơ Xuân Như, Đặng Sơn; làng nghề truyền thống bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức, khối 10, thị trấn Đô Lương; làng nghề đan lát ở Đà Sơn…
Tuy nhiên, đến nay một số làng nghề truyền thống ở Đô Lương đã có biểu hiện suy giảm. Đã có một số làng nghề không đạt tiêu chí, có làng nghề vẫn cơ bản “giậm chân tại chỗ”, chưa có biến chuyển đáng kể.
Làng nghề bánh đa ở Đô Lương vẫn chỉ phát triển ở mức nhỏ lẻ
Theo ông Lê Văn Thư - Trưởng phòng Công thương huyện Đô Lương cho rằng: Nguyên nhân của sự suy giảm là do việc gia công sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian nên hiệu quả kinh tế không cao. Trong các làng có nghề chưa có nhiều đại lý, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm, phần lớn phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoài huyện và ngoài tỉnh. Huyện chưa có cán bộ có năng lực chuyên môn nghiệp vụ trực tiếp phụ trách, vì thế các làng nghề vẫn chỉ mang tính chất tự phát là chủ yếu.
Nguyên nhân nữa khiến nghề và làng nghề ở Đô Lương suy giảm là hoạt động sản xuất tại các làng nghề thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa có chiều sâu, quy mô nhỏ lẻ, manh mún.
Số doanh nghiệp trong làng nghề, xã có nghề ít, phần lớn năng lực trình độ hạn chế, thiếu vốn, thông tin về thị trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, nguyên liệu đầu vào, đầu ra cho sản phẩm còn phụ thuộc, qua nhiều khâu, đầu mối trung gian nên chi phí giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém. Sản phẩm làm ra đều do các doanh nghiệp, chủ cơ sở, bản thân những người dân tự lo nên không ổn định, chịu sức ép lớn từ nhiều mặt.
Nhiều địa phương chưa tích cực vào cuộc tìm nghề cho dân, cũng không có định hướng và biện pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện cụ thể nên làng nghề, xã có nghề không phát triển. Các cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề cho người lao động, ứng dụng công nghệ sản xuất mới... cho làng nghề, xã có nghề từ các cấp, các ngành còn hạn chế.
Việc xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đô Lương còn chậm, thiếu mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, cộng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường từ làng nghề đã hạn chế thu hút đầu tư vào các làng nghề, xã có nghề.
Thu nhập của người làm nghề quá thấp, phần lớn từ 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng, khiến nhiều người bỏ và tìm việc làm khác. Bên cạnh đó, do tiêu chí xét công nhận làng nghề thay đổi với yêu cầu cao hơn trước nên một số làng nghề không đạt theo chuẩn mới. Hầu hết các địa phương chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu cung cấp cho làng nghề dẫn tới thiếu chủ động và hiệu quả kinh tế thấp.
Ngoài ra, sự thay đổi về thị hiếu tiêu dùng cũng làm một số làng nghề suy giảm như việc chuyển từ dùng rổ, rá làm bằng tre sang sử dụng sản phẩm làm bằng nhựa; nhu cầu về vó trong dân cư rất ít…
Thực tế, để phát triển được các làng nghề ở Đô Lương khỏi nguy cơ “tuột dốc" cần đẩy mạnh việc đào tạo dạy nghề, về vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng trong làng nghề, công nghệ phát triển trong các doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Tuy nhiên, nếu cứ để xã, chủ cơ sở sản xuất "loay hoay" tự tìm phương án thì có lẽ việc sẽ không bao giờ thành mà quan trọng nhất là phải có sự chỉ đạo thống nhất từ cơ quan chuyên môn, sự vào cuộc tích cực, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành từ huyện đến các cơ sở thì mới có hi vọng giữ được nghề cho dân.
Trường Khuyên
.