Dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước bản Mồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007 để triển khai xây dựng tại vùng Tây Bắc Nghệ An. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả to lớn về phát triển kinh tế xã hội, thì hồ chứa nước này dự kiến sẽ gây ngập nước cho một số xã thuộc huyện Quỳ Châu và một phần của huyện Như Xuân (Thanh Hóa).
Bởi vậy, đã gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Ấy thế mà, đã có một người cao tuổi đưa hết mọi tâm huyết, đã tìm ra phương án độc đáo không phải di dời dân, làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước bản Mồng, đập chính được xây dựng bằng bê tông trọng lực chặn sông Hiếu tại xã Yên Hợp (Quỳ Hợp). Dự kiến sẽ phải di dời 3.888 hộ gia đình ở Quỳ Châu, Quỳ Hợp và một phần của huyện Như Xuân - Thanh Hoá.
Đặc biệt, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu do nằm ở ven hồ chứa nước Bản Mồng, nên nếu để nguyên thiết kế cũ thì phải di dời 12 bản, 773 hộ gia đình với 3.452 nhân khẩu và gần 4km Quốc lộ 48 bị ngập sâu. Chưa kể còn có hơn 140 ha đất nông nghiệp, đất thổ cư cùng nhiều công trình dân sinh kinh tế có giá trị nhiều tỷ đồng có thể bị hủy bỏ.
Theo số liệu của cơ quan tư vấn trình Bộ NN&PTNT, nếu phải di dời xã Châu Bình thì tổng kinh phí đền bù di dân tái định cư là 899 tỷ đồng. Vấn đề đặc biệt quan trọng là, xã Châu Bình không những bị thiệt hại nặng nề mà việc di dân cũng còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước ăn uống, sinh hoạt.
Từ trăn trở đó, ông Nguyễn Quang Hòa - nguyên Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng khoa học kỹ thuật và Công nghệ thuỷ lợi đã cùng cộng sự dày công nghiên cứu và tìm ra phương án tối ưu “Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình” - công trình phản biện xã hội thuộc công trình xây dựng hồ chứa nước Bản Mồng, được các nhà khoa học đánh giá là độc đáo.
Ông Hòa trao đổi về phương án “Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình”
Theo phương án của ông Hòa, thay vì dẫn nước từ hạ lưu sông Cô Ba về sau đập chính, chỉ cần đào 2km kênh phụ dẫn nước sông Cô Ba đổ vào chính lòng hồ Bản Mồng và cho đắp thêm 3 đập phụ. Phương án này không cần di dời dân, bảo vệ được địa giới hành chính, giảm tối đa thiệt hại trên nguyên tắc tôn trọng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của Dự án đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, kênh đào mới còn có thêm chức năng bổ sung nguồn nước vào hồ chứa bản Mồng mùa khô hạn và tiêu lũ vào mùa mưa cho Châu Bình và các khu vực phụ cận.
Để tìm ra được phương án “Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình”, ông Nguyễn Quang Hòa cùng cộng sự đã trải qua một hành trình gian nan, thử thách để đảm bảo việc phản biện và giám định xã hội được thành công. Đã biết bao đêm thức trắng, ông trăn trở, để rồi đem ý tưởng đó bàn với các cộng sự, lập luận án chi tiết, trình lên cấp thẩm quyền xem xét.
Như vậy, ông và các cộng sự đã làm tờ trình xin được “Lập phản biện xã hội Dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước bản Mồng” để trình lên Bộ NN&PTNT và các cấp có thẩm quyền.
Ông Hòa cho biết: Việc “phản biện” để cứu dân không phải di dời khỏi quê hương đến vùng tái định cư sẽ là một hành trình đầy gian nan. Bởi dự án đã có quyết định phê duyệt thi công, ngay thời điểm triển khai tìm giải pháp phản biện, lãnh đạo ngành cũng rất ái ngại. Một phần sợ chậm tiến độ thi công, hoặc lo lắng có di dời dân được không, hay sẽ làm chậm trễ thêm việc xây dựng.
Thời gian này, còn có những đơn vị đã gửi công văn tới các cấp, các Bộ ngành rằng: “Nội dung phản biện là đưa ra những tham vọng quá lớn, vượt quá khả năng của một Hội hoạt động có tính chất xã hội với trang bị phương tiện kỹ thuật không có gì bảo đảm…”.
Ông Hòa phát hiện ra các đơn vị làm nhiệm vụ thăm dò, khảo sát nguồn nước ngầm đã đưa ra những số liệu nguồn nước ngầm tại các khu tái định cư là không đủ cơ sở tin cậy. Sau đó, ông xin Bộ NN&PTNT được phản biện.
Điều đáng mừng là qua nghiên cứu, thẩm định hồ sơ, ngày 26/5/2009, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 1478/QĐ-BNN-XD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Bản Mồng tỉnh Nghệ An. Như vậy, Trung tâm Tư vấn ứng dụng - Khoa học kỹ thuật và Công nghệ thuỷ lợi Nghệ An được giao nhiệm vụ phản biện công trình “Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình”. Và công trình này được lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đánh giá cao.
Hiệu quả to lớn của công trình là không phải di dời 600 hộ dân của 12 bản thuộc xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu; không phải di dời các công trình công cộng của xã; bảo vệ gần 140 hécta đất nông nghiệp, đất thổ cư; không gây ngập gần 4km Quốc lộ 48.
Theo ông Nguyễn Quang Hòa cho biết: “Trường hợp bất khả kháng, Nhà nước phải bỏ ra 899 tỷ đồng để đền bù di dời; kinh phí xây dựng các công trình bảo vệ hết 825,051 tỷ đồng, trong đó dự phòng cho phát sinh là 107,615 tỷ đồng. Nếu không sử dụng kinh phí dự phòng thì tiết kiệm được 181,564 tỷ đồng”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Hoàng Văn Thắng đã có Kết luận số 3772/TB-BNN-VP ngày 25/7/2011 về công trình “Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình” như sau: “Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình là kết quả nghiên cứu tổng hợp các phương án tối ưu, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao so với phương án bồi thường di dân và hỗ trợ tái định cư”.
Công trình đã đoạt giải đặc biệt - Giải thưởng sáng tạo KHCN Nghệ An năm 2010; chuẩn bị nhận giải ba - Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11 - được tổ chức vào ngày 7/5/2012.
Lê Hoa - Hằng Nga
.