Chủ trương hay
Xã Nam Cát là vùng chiêm trũng, nơi chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu kinh tế ở đây khó đa dạng vì giao thông đi lại khó khăn, không có tài nguyên, người dân chủ yếu chỉ biết dựa vào hai vụ lúa vốn bấp bênh. Chỉ làm lúa nên lượng lao động nông nhàn trong xã rất cao. Cách đây 5 năm, Nam Cát là một trong những xã kém phát triển nhất của huyện Nam Đàn.
Làm cách nào để thoát nghèo, để người dân bớt khổ luôn là suy nghĩ thường trực của lãnh đạo xã Nam Cát. Nhiều phương án, giải pháp đã được đưa ra nhưng đều không mang lại hiệu quả.
Năm 2006, khi phong trào xuất khẩu lao động trong cả nước đang phát triển, ông Nguyễn Xuân Bình - Chủ tịch UBND xã Nam Cát định hướng cho người dân lựa chọn xuất khẩu lao động để tận dụng lao động nhàn rỗi. Nhưng vốn ở đâu, tìm đối tác nào cho an toàn, thay đổi cách nghĩ trong dân như thế nào buộc Thường vụ xã phải vào cuộc.
Đầu năm 2007, sau nhiều cuộc họp, UBND xã thành lập tổ công tác xúc tiến tìm kiếm đối tác xuất khẩu lao động. Tổ công tác đã có hàng tháng trời tìm kiếm, thẩm định những công ty xuất khẩu lao động, thị trường phù hợp với tính chất lao động của xã. Đồng thời xã đề ra những chủ trương, giải pháp để giúp đỡ người dân trong việc vay vốn.
Thực hiện chủ trương của UBND xã, quỹ tín dụng nhân dân xã Nam Cát cũng thực hiện những chính sách cho người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để đi xuất khẩu lao động.
Sau khi tìm được đối tác xuất khẩu lao động tin cậy, UBND xã tuyên truyền vận động nhân dân đi xuất khẩu lao động và tư vấn, định hướng cho họ những thị trường lao động phù hợp với năng lực và kinh tế. Với việc UBND xã tạo điều kiện vay vốn và “bảo lãnh” nên lao động Nam Cát rất yên tâm không sợ bị lừa và thực tế chưa lao động Nam Cát nào bị các công ty môi giới xuất khẩu lao động lừa.
Hiệu quả lớn
Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm có trung bình 100 lao động Nam Cát đi xuất khẩu lao động, tập trung ở các nước như Hàn Quốc, Ănggôla, Malaixia, Đài Loan… hiện đã có 453 lao động ở nước ngoài, chiếm gần 10% dân số.
Lao động Nam Cát chủ yếu là nghề xây dựng, kinh doanh, vốn chăm chỉ chịu khó nên bình quân mỗi tháng mỗi lao động đều gửi về cho gia đình trên 10 triệu đồng/tháng. Mỗi năm lượng tiền người xuất khẩu lao động gửi về lên tới 50 tỷ đồng, con số mà bất cứ xã nào cũng phải mơ ước.
Nam Cát đang đi lên nhờ xuất khẩu lao động
Gia đình anh Nguyễn Văn Đông ở xóm Đa Cát vốn là một hộ nghèo. Với quyết tâm đi xuất khẩu lao động, năm 2009 anh được UBND xã tạo điều kiện thế chấp nhà đất làm thủ tục đi xuất khẩu lao động ở Ănggôla. Do có tay nghề xây dựng nên mỗi tháng anh được trả 1.200 USD nên chỉ sau 6 tháng anh trả xong nợ và hiện nay đã góp đủ tiền xây dựng nhà mới và tạo điều kiện cho con cái học hành.
Sau năm năm thực hiện chủ trương ưu tiên xuất khẩu lao động, bộ mặt nông thôn Nam Cát đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, trụ sở chính quyền đã khang trang, đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt. Trong những năm qua, mọi chỉ tiêu kinh tế, văn hóa xã hội của xã Nam Cát đều vượt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Chủ tịch UBND xã Nam Cát Nguyễn Xuân Bình cho biết: “Xuất khẩu lao động đã tạo được nguồn vốn lớn trong nhân dân, có vốn người dân đã được chính quyền tư vấn thay đổi cơ cấu kinh tế hộ như buôn bán, làm trang trại, thầu xây dựng… nên kinh tế Nam Cát đang dần khởi sắc”.
Trong quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, chính quyền xã Nam Cát đã có hướng đi hợp lý. Lãnh đạo tận tâm, năng động, nhân dân cần cù chịu khó là yếu tố mang lại thành công cho Nam Cát.
Ngọc Hùng
.