Để hiện đại hóa chợ Phủ Diễn vốn ọp ẹp và nhếch nhác, năm 2008, UBND huyện Diễn Châu bật đèn xanh cho Xí nghiệp Xây dựng số 1 Lai Châu vào đầu tư tổ hợp Trung tâm thương mại, biệt thự liền kề, chung cư, Khách sạn Mường Thanh - Phủ Diễn trên diện tích 16.500m2 ở khối 4, thị trấn Diễn Châu.
Để di dời được cả nghìn hộ kinh doanh ra khỏi khu đất vàng này, chính quyền và nhà đầu tư hứa đảm bảo chợ mới được trang bị hiện đại, giá rẻ và cung cấp mặt bằng đủ cho nhu cầu kinh doanh của bà con tiểu thương. Yên lòng trước lời hứa của nhà đầu tư, bà con tiểu thương chuyển ra chợ tạm do chính quyền dựng vội trên đất phúc lợi của thị trấn cách chợ cũ vài trăm mét với thời hạn kinh doanh là 2 năm.
Tháng 5/2010, tổ hợp thương mại Mường Thanh - Phủ Diễn được xây dựng rất hoành tráng khánh thành. Nhưng than ôi! Khi khánh thành xong, bà con mới biết chợ Phủ Diễn xưa rộng cả chục nghìn m2 nay chỉ được xây dựng vỏn vẹn có 2.633m2 với vài trăm ki-ốt chỉ đủ cho hơn một trăm hộ kinh doanh. Tệ hơn, tất cả diện tích chợ này đều quy hoạch là chợ kinh doanh trang thiết bị, quần áo… nhưng không có chợ xanh.
Chợ Phủ Diễn đang bị bỏ hoang
Chợ xây xong, nhà đầu tư phát giá từ 30 triệu đồng đến 80 triệu đồng/ki-ốt rộng trung bình 4m2. Thấy “đất chật người đông” nên bà con tiểu thương ồ ạt lao vào đăng ký mua, những kẻ đầu cơ nhanh chóng vào cuộc. Chợ dành bán cho tiểu thương nhưng thực chất do những kẻ đầu cơ thao túng, rất ít bà con mua được giá gốc, bà con tiểu thương phải mua lại với giá gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Cuối năm 2010, chợ Phủ Diễn trở lại hoạt động nhưng không hề có khách. Nguyên nhân là do chợ quá nhỏ, chỉ vài trăm ki-ốt kinh doanh trong khi cả nghìn tiểu thương cũ không có vị trí buôn bán nên vẫn kinh doanh tại chợ tạm.
Vậy là, chợ tạm đã hết hạn kinh doanh từ giữa năm 2011 nhưng vẫn hoạt động tấp nập như chợ chính. Mặt khác, chợ Phủ Diễn mới bị khách hàng “tẩy chay” và chấp nhận mua bán tại chợ tạm dù là chợ tạm chật chội, bẩn thỉu.
Trước thực trạng trên, tiểu thương kinh doanh tại chợ mới điêu đứng vì không có khách nên cũng bỏ chợ mới trở lại chợ tạm kinh doanh dù đã đầu tư cả trăm triệu đồng.
Thấy bà con bỏ chợ mới, UBND huyện Diễn Châu “tư vấn” cho nhà đầu tư biến hơn 700m2 sân để xe khách sạn thành chợ xanh nhưng cũng chỉ vài ba hộ vào kinh doanh miễn cưỡng.
Hiện nay, ghé chợ Phủ Diễn mới thấy tiêu điều, xơ xác, hàng trăm ki-ốt cửa đóng then cài, thi thoảng mới gặp dăm ba ki-ốt mở cửa, diện tích tầng hai hoàn toàn không có bóng người.
Để tìm hiểu thông tin, đã vài lần phóng viên tìm đến văn phòng Ban quản lý chợ để làm việc nhưng cũng không thấy một nhân viên, cán bộ nào. Lò dò vào hỏi chị bán bánh bèo cho mấy cô, cậu học trò liền nghe một tràng than thở: “Chợ không họp thì Ban quản lý đến làm gì. Chú biết không, chị là dân buôn vải có tiếng trước đấy, đầu tư gần 150 triệu lấy cái ki-ốt này để kinh doanh nhưng giờ phải bán bánh bèo thu tiền lẻ của mấy đứa trẻ con đây này”.
Chợ chỉ xây dựng có 2.633 m2 trên tổng diện tích 16.500m2 nên đất còn lại biến thành chung cư, khách sạn và biệt thự. Quả thật nhà đầu tư đã “ăn đủ” khi khách sạn gần 20 tầng đang thu hút khách, 144 căn biệt thự liền kề cũng đã được bán hết dù giá trên 1 tỷ/căn. Chỉ có tiểu thương là khốn đốn khi đầu tư tiền mà không thể kinh doanh và kinh doanh tạm bợ trong chợ tạm chật chội.
Chợ tạm đã hết hạn gần 1 năm nay, UBND huyện Diễn Châu đã nhiều lần thông báo hủy bỏ chợ, cấm bà con họp chợ nhưng tiểu thương kiên quyết phản đối vì nghỉ bán họ biết mưu sinh bằng gì. Đất chẳng chịu trời thì trời phải chịu đất nên dù hết hạn, huyện có cấm nhưng bà con vẫn cứ kinh doanh mà chính quyền vẫn “tạo điều kiện”.
Trao đổi với phóng viên về phương án giải quyết thực trạng trên, ông Hoàng Văn Ba - Trưởng phòng Công thương huyện cho biết: “Hiện UBND huyện đã đầu tư 74 tỷ đồng xây dựng chợ xanh ở xã Diễn Thành (cách chợ Phủ Diễn 2km), dự kiến năm nay sẽ xong và buộc tiểu thương kinh doanh ở chợ tạm về chợ Diễn Thành để trả đất cho thị trấn”.
Không biết phương án chợ Diễn Thành có khả thi không nhưng rõ ràng bà con tiểu thương đã mất lòng tin ở chợ Phủ Diễn, UBND huyện Diễn Châu cần làm theo “lý” nhưng cũng nên coi trọng cái “tình” của bà con tiểu thương, không hiểu tâm lý họ thì chợ Diễn Thành có thể là chợ Phủ Diễn thứ hai.
Ngọc Hùng
.