Nhưng oái oăm thay, chợ càng hiện đại thì càng ít khách và tiểu thương bán chợ càng lao đao. Hiện đại hóa hệ thống chợ là hợp lý nhưng chưa hợp “tình” khách hàng và bà con tiểu thương.
Kỳ I: Chợ Vinh hoang vắng
Trong tiềm thức xưa, chợ Vinh là một trung tâm buôn bán nhộn nhịp, là điểm không thể không đến của những người dừng chân tại Vinh. Với tham vọng biến chợ Vinh thành Trung tâm thương mại của khu vực Bắc Trung Bộ, năm 2006, chợ Vinh cũ bị xóa bỏ và UBND tỉnh đã kêu gọi bà con tiểu thương đầu tư 180 tỷ xây dựng mới.
Tháng 8/2008, chợ Vinh được khánh thành và đi vào hoạt động. Nhìn qua thì chợ Vinh thật xứng là Trung tâm thương mại Bắc Trung Bộ với ba tầng, 1.360 ki-ốt kinh doanh, trang thiết bị hiện đại như thang cuốn, hệ thống chữa cháy tự động…
Tham vọng là thế nhưng hiện nay vào chợ Vinh mua sắm chẳng thấy khách hàng đâu chỉ thấy mấy bà, mấy chị tiểu thương ngồi đánh bài, tán gẫu hoặc sơn kẻ móng tay để giết thời gian. Những ngày cuối năm mà chợ Vinh vẫn vắng lặng lạ kỳ, thi thoảng mới thấy một vài khách hàng ghé nhưng chỉ xem qua không trả giá đến một câu làm tiểu thương cứ thở dài thườn thượt.
Chợ Vinh chưa xứng là Trung tâm thương mại Bắc Trung Bộ
Chợ Vinh cũng thêm phần hoang vắng do hàng trăm ki-ốt vẫn khóa cửa im lìm, dù đó là những ki-ốt mặt tiền án ngữ ngay trước cổng ra vào. Dạo quanh chợ Vinh cũng nhận thấy không chỉ vắng khách, hàng hóa cũng kém phong phú và chủ yếu là hàng Trung Quốc, hàng rẻ tiền.
Theo tiểu thương Nguyễn Thị Hà - kinh doanh hàng may mặc thì: “Khách hàng giảm khoảng 50% so với trước đây, có những ngày không hề có người vào hỏi mua”. Bác Tuyết ngồi gần đó góp thêm: “Tôi thuê quầy này hết gần 80 triệu nhưng kinh doanh kiểu này thì ăn còn không đủ lấy đâu ra tiền trả nợ”.
Bên cạnh đó, bà con tiểu thương cũng phản ánh thực trạng nhếch nhác của chợ Vinh như ăn mày, móc túi vẫn hoành hành, hiện tượng buôn bán bằng thúng, mẹt di động xảy ra nhiều, hàng trăm ki-ốt vẫn đóng cửa do giá bán quá cao…
Hiện nay chợ Vinh còn hơn 100 ki-ốt chưa có người thuê, bên cạnh đó, cũng có nhiều ki-ốt chưa kinh doanh do đầu cơ. Hiện vẫn còn 17 ki-ốt mặt tiền của chợ trị giá gần chục tỷ đồng chưa bán được nên ảnh hưởng đến không khí kinh doanh chung.
Xác nhận lại hiện tượng vắng khách, anh Hoàng Văn Thái - Phó Ban quản lý chợ Vinh cho biết: “Đúng là bộ phận bán lẻ có giảm nhưng chỉ khoảng 30% thôi”.
Hàng chục gian hàng nhưng không có một bóng người mua
Trao đổi về nguyên nhân vắng khách, ông Tô Thanh Nhân - Trưởng Ban quản lý chợ Vinh phân trần: “Chẳng hiểu sao UBND tỉnh quy hoạch Siêu thị Big C to tướng án ngữ trước chợ Vinh, xung quanh chợ Vinh cũng có hàng chục điểm kinh doanh nên chợ Vinh vắng khách là khó tránh. Nguyên nhân nữa là bà con tiểu thương chưa tạo được uy tín với khách hàng khi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hét giá vô tội vạ nên khách hàng một đi không trở lại”.
Ông Nhân cho biết thêm: “Hiện chúng tôi đang xây dựng nếp sống văn minh thương mại và tuyên truyền vận động bà con tiểu thương thực hiện. Không thể trách môi trường khách quan, quan trọng là bà con nên thay đổi cách kinh doanh của mình”.
Quả thật, hiện nay một số tiểu thương kinh doanh không được lành mạnh như bán hàng không rõ nguồn gốc, chặt chém, xúc phạm khách hàng nên chợ Vinh đang mất uy tín trầm trọng.
Án ngữ trước chợ Vinh là Siêu thị Big C to đùng, chốt chặn ở phía Nam là một Metro lừng lững và rải rác xung quanh là những siêu thị nhỏ hơn như Intimex, Maximax… nên chợ Vinh mất khách.
Nhưng kinh doanh là sòng phẳng, chợ Vinh vắng khách không thể đổ lỗi cho siêu thị mà phần lớn là do chợ Vinh không đủ nhạy bén để hòa mình vào cuộc cạnh tranh nên đang bị đẩy lùi ra xa.
Chợ Vinh đang “hoang phí” gần 200 tỷ đồng đầu tư, cả chục ha đất vị trí đẹp nhất thành phố khi không phát huy được tiềm lực của mình. Rõ ràng chợ Vinh đang cần một chiến lược kinh doanh mới để lấy lại thương hiệu, điều đó cần sự giúp sức của chính quyền và các cơ quan, ban ngành liên quan.
Ngọc Hùng
.