Cây keo được đánh giá là cây xóa đói giảm nghèo tại huyện Anh Sơn. Đây là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, mỗi năm phát dọn vài lần, chẳng cần nhiều phân bón, lại thêm không bị nạn cắn phá của sâu bọ, thú rừng.
Thuận lợi bước đầu, một số chủ vườn trên địa bàn huyện đã thu hàng chục triệu đồng từ đồi keo. Nhưng so với các địa phương khác thì ở xã Tam Sơn (Anh Sơn) đang phải loay hoay tìm đường vận chuyển cây keo trong rừng sâu ra trung tâm để bán.
Tại các chân đồi, một số hộ nóng lòng nên tiến hành khai thác, thế nhưng trong quá trình vận chuyển khó khăn quá, cuối cùng phải chất đống ngổn ngang bên vệ đường.
Hàng trăm ha keo và cây nguyên liệu khác ở xã Tam Sơn không thể khai thác được
vì chưa có đường vào
Anh Trần Văn Bình người có 2 ha keo đang trong độ tuổi thu hoạch buồn bã nói: "Không trồng cũng khổ, mà trồng được rồi đến độ tuổi khai thác không có đường vào vận chuyển càng khổ hơn. Cây 4 tuổi đã có thể thu hoạch nhưng nay đã 7 tuổi rồi mà không bán được vì rừng ở sâu, vả lại không có đường vào vận chuyển. Không chỉ riêng gì tôi mà bao nhiêu hộ đều dở khóc dở cười chỉ vì quá trình vận chuyển cây keo từ rừng ra trung tâm bán coi như không còn lời được đồng nào. Cũng có một số hộ đã chặt để bên đường nhưng khi tính công vận chuyển và công sức bỏ ra đều công cốc, cuối cùng bỏ cuộc".
Mặc dù, chính quyền xã đã khuyến khích người dân cùng với chủ thu mua tự bỏ tiền ra khai thông mở đường nhằm thuận lợi vận chuyển, nhưng đó chỉ mới giải quyết được một vài hộ có rừng nằm ngoài. Còn hàng trăm ha rừng xa xôi và giao thông khó khăn, ở xa trung tâm khó mà bán được chứ chưa nói đến giá cả.
Tại một số rừng đồi keo được trồng vào năm 2005, không có ai lên mua nên một số người trồng keo đành phải chặt hạ rồi không vận chuyển được, cuối cùng các hộ cố vớt vát đem về bán củi.
Nhiều hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách đầu tư trồng cây keo. Đến nay keo đã 5 năm tuổi và đang lớn rất nhanh, nhưng khi chúng tôi đề cập chuyện khai thác thì những hộ trồng keo đều lắc đầu: “Đường sá xa xôi chẳng biết có bán được không, lo quá!”.
Hiện có nhiều vườn keo bước vào thời điểm thu hoạch nhưng do không có người vào mua và khâu vận chuyển khó khăn nên người trồng rất “nóng ruột” vì mùa mưa bão lại sắp đến, nguy cơ keo sẽ bị gió quật gãy…
Hiệu quả kinh tế từ cây keo ở Tam Sơn rất thấp, thế nhưng chính quyền xã vẫn tiếp tục khuyến khích người dân đưa đất nương rẫy vào trồng keo. Vấn đề đặt ra hiện nay là hệ thống giao thông nội vùng để phục vụ công tác khai thác, vận chuyển sản phẩm gỗ ra bãi tập kết chưa được quy hoạch và xây dựng nên việc vận chuyển gỗ sau khai thác chủ yếu bằng thủ công, chi phí khá cao.
Chính vì thế mà hiện nay, nhìn chung tại xã Tam Sơn, cây keo đang trên đà tăng trưởng mạnh, đại trà và đã đến tuổi khai thác vẫn chưa khai thác do không có con đường giao lưu, vận chuyển. Nguyện vọng người dân mong muốn sớm có kế hoạch hỗ trợ mở con đường, tạo điều kiện để cây keo phát triển.
Trường Khuyên
.