Hội nghị gặp mặt xúc tiến đầu tư dịp đầu Xuân là một hoạt động thường niên, được xem là “ngày hội” truyền thống của các nhà đầu tư về với Nghệ An, nhằm đánh giá tình hình thực hiện các ký kết thỏa thuận đầu tư và bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã được ký kết; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những "con số" ấn tượng
Xuân Nhâm Thìn 2012 là lần thứ 4 tỉnh Nghệ An tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư theo "ý tưởng" đồng tổ chức của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV để chia sẻ, đồng hành cùng Nghệ An với trách nhiệm "góp mật ngọt" đối với Nghệ An - quê hương của Bác Hồ kính yêu.
Là tỉnh có diện tích rộng lớn nhất nước, có nhiều điều kiện thuận lợi mà còn là tỉnh nghèo, tiềm năng chưa được "đánh thức", các nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, triệt để. Có lẽ vì thế mà Hội nghị gặp mặt lần này thu hút được rất đông các đại biểu không những là các nhà đầu tư tham gia tìm kiếm cơ hội mà lãnh đạo các huyện, thành, thị trong tỉnh cũng đã quảng bá những tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình.
Qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, gặp mặt đầu Xuân, hình ảnh và vị thế của Nghệ An ngày càng được nâng cao, trở thành điểm đến hấp dẫn, là duyên nợ nặng lòng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước...
So với lần gặp mặt đầu tiên Xuân Kỷ Sửu 2009, các lần sau đó số lượng dự án đăng ký ít hơn nhưng chất lượng, trách nhiệm của các thỏa thuận ký kết tính thực thi, hiệu quả cao hơn.
Tại cuộc gặp các nhà đầu tư Xuân Canh Dần 2010, có 7 thỏa thuận được ký kết (chỉ bằng 1/3 số lượng lần gặp trước đó), nhưng đến thời điểm này, 7/7 thỏa thuận, các dự án đều triển khai đúng tiến độ. Năm 2011, có 7/10 dự án ký kết với số vốn đăng ký trên 11.000 tỷ đồng được triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Tại cuộc gặp mặt Xuân Nhâm Thìn 2012 này đã có 10 thỏa thuận được ký kết với số vốn đăng ký gần 2.580 tỷ đồng cho thấy các thỏa thuận, dự án được ký kết không những tăng về số lượng mà cả chất lượng và triển vọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc trao giấy chứng nhận đầu tư
Từ các hội nghị này đã có những dự án với vốn đầu tư lớn, mang đến sự đột phá cho nền kinh tế của tỉnh, như Dự án Nhà máy Bia Sabeco, Nhà máy Bao bì Sabeco, Dự án Gạch không nung, Dự án Sữa TH, Dự án may mặc Havina Kim Liên...
Nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, tỉnh cũng đã ký cam kết nâng cấp, mở mới các đường bay: Vinh - Hà Nội, Vinh - Buôn Mê Thuột, Vinh - Pleiku… Chính từ những dự án đã được ký kết, bình quân mỗi năm, Nghệ An đã giải quyết việc làm cho trên 1 vạn lao động, tăng thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.
Năm 2012, nhiều dự án với suất đầu tư lớn đã chứng tỏ tầm nhìn của nhà đầu tư và khát vọng phát triển của địa phương như các dự án tại Khu kinh tế Đông Nam gồm: Nhà máy chế biến cá đóng hộp, đông lạnh với số vốn 20 triệu USD, Nhà máy sản xuất chả cá, bột cá 10 triệu USD, Trung tâm thương mại 10 triệu USD; Nhà máy sản xuất điện tử - viễn thông BSE Việt Nam công suất 250 triệu sản phẩm/năm với vốn đầu tư 630 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất các sản phẩm từ chất dẻo, công suất 15.000 tấn sản phẩm/năm với vốn đầu tư gần 120 tỷ đồng, Nhà máy nghiền bột đá vôi trắng siêu mịn công suất 45.000m3/năm, với vốn đầu tư trên 75 tỷ đồng...
Tạo nên cú "bứt phá"
Tại buổi gặp mặt, những tâm sự, những suy nghĩ của các nhà đầu tư lại có cơ hội được bộc bạch và chính những ý kiến này để giúp Chính phủ, Bộ, ngành và tỉnh nhà điều chỉnh những cơ chế phù hợp, tạo thuận lợi hơn để khuyến khích, thúc đẩy công tác đầu tư.
Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Việt Nam, cho rằng: Trong 4 năm qua, các cấp chính quyền ở Nghệ An đã thực sự "trải thảm đỏ" bằng những cải cách hành chính, luôn lắng nghe, trăn trở, chia sẻ khó khăn và đồng hành với các nhà đầu tư.
Nhiều vùng trên địa bàn tỉnh đã trở thành trọng điểm tập trung thu hút đầu tư, hình thành các cực tăng trưởng làm động lực thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển như vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, Nam Nghệ - Bắc Hà, Khu kinh tế Đông Nam hay vùng kinh tế Miền Tây...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để phát triển, Nghệ An phải có một tư duy mới, đó là tư duy vùng, nghĩa là phải đặt mình trong vùng, có sự liên kết vùng để cùng phát triển nhưng phải nhận thức rõ được vị thế riêng của mình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh, Nghệ An là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế, được xác định là trung tâm phát triển của vùng Bắc Trung Bộ. Giai đoạn tới, trước thế và lực mới, Nghệ An cần cải thiện và hoàn thiện môi trường đầu tư, tạo ra sự đột phá ngoạn mục trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Đặc biệt, với vị trí của mình, Nghệ An cần nghiên cứu, liên kết các tỉnh để quy hoạch phát triển vùng, liên vùng để phát huy sức mạnh tổng hợp, gắn với phát triển quy hoạch của đất nước, tạo nên những "bứt phá" trong công cuộc dựng xây, phát triển.
Bốn mùa Xuân đi qua, là bốn lần gặp gỡ, hội ngộ giữa các nhà đầu tư, Nghệ An - quê Bác dường như đã trở thành "duyên nợ" đối với các nhà đầu tư. Số lượng thỏa thuận, dự án ký kết được tăng dần và ngày càng phong phú trên các ngành, lĩnh vực, đã và đang chứng tỏ Nghệ An là "địa chỉ đỏ" thu hút đầu tư.
Lựa chọn Nghệ An làm điểm đầu tư, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã thể hiện rõ trách nhiệm tiên phong, gánh vác sứ mệnh lịch sử, sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của miền Bắc vào năm 2015, như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
Xuân Thống
.