Việc Chi cục Kiểm lâm Nghệ an nợ nhân dân các dân tộc thiểu số hàng trăm tấn gạo trong chương trình trồng rừng thay thế nương rẫy đã hơn hai năm nay chưa có trả đang làm mất lòng tin của bà con về một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước…
Gần hai năm nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An nợ đồng bào dân tộc ở các huyện trên gần 700 tấn gạo theo chương trình trợ cấp trồng rừng thay thế nương rẫy. Họ rất bức xúc bởi trong khi trước Tết Nhâm Thìn 2012, Chính phủ đã xuất cấp gạo cứu đói cho hàng ngàn hộ dân ăn Tết, riêng bà con đổ công lao động thực hiện một chủ trương lớn của Đảng lại chưa nhận được số gạo trên.
Được biết từ năm 2009, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An làm chủ dự án trồng rừng thay thế nương rẫy để xóa nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo đề án, mỗi hecta rừng trồng thay thế nương rẫy được cấp không quá 700 kg gạo/năm và mỗi khẩu được cấp bình quân 10 kg gạo/tháng (trong vòng 6 năm).
Đồng bào Đan Lai đã biết trồng rừng thay thế nương rẫy, nhưng đã hai năm nay chưa được nhận gạo để cứu đói
Trong những tháng đầu, cứ 2 tháng một lần, cán bộ kiểm lâm ở các Hạt kiểm lâm huyện phát gạo nên người dân phấn khởi, trồng mới hơn 1.100 ha rừng. Nhưng từ năm 2010 đến hết năm 2011 thì không thấy phân phát gạo, dân bắt đầu chờ gạo nhưng càng chờ càng tít mù khơi.
Chỉ riêng xã Châu Khê có hơn 300 hộ dân ở bản Khe Bu, Khe Nà, Châu Sơn, Châu Định, bản Xát, bản Diềm... đã trồng mới được 200 ha rừng nhưng 70% trong số dân đó lại đang thiếu đói vì diện tích nương rẫy phần lớn đã trồng rừng thay thế.
Một số bà con bức xúc nói: Đáng lẽ trong dịp Tết Nhâm Thìn vừa rồi họ phải phát một ít gạo cho người dân ăn Tết nhưng đến nay vẫn chưa có. Người nghèo có gạo cứu tế, chúng tôi đổ mồ hôi, nước mắt thì lại không được hỗ trợ gì. Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần nhưng chưa thấy họ đưa gạo về phát cho dân. Hỏi xã, xã bảo chờ trên, tít mù vòng quanh.
Bà con đã nhiều lần kiến nghị lên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, thay cho việc cấp phát, họ nhận được câu trả lời của Giám đốc xin “khất nợ” và động viên bà con cố chờ thêm.
Hiện tại, bà con đang tiếp tục trồng rừng theo kế hoạch, nhưng chưa thấy cán bộ dự án của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An đi nghiệm thu vì sợ dân đòi nợ hơn 700 tấn gạo của hai năm trước đó.
Thiết nghĩ rằng một khi xây dựng kế hoạch và đã có tính khả thi thì bằng mọi cách phải thực hiện. Bởi chủ trương trồng rừng thay thế nương rẫy là một chủ trương đúng. Khi bà con các dân tộc thiểu số đã gác dao, ngừng phát đốt rừng, để ra sức trồng và bảo vệ rừng, thì không nên bắt dân phải chờ, phải đợi mãi, dễ mất lòng tin lắm…
Xây dựng được niềm tin với bà con dân tộc thiểu số thì cực khó, còn để mất lòng tin thì quá dễ. Và một khi “Một lần mất tín thì vạn lần mất tin”. Câu hỏi để dân trồng rừng thay thế nương rẫy phải chờ, phải đợi đến bao giờ? Xin Chi cục Kiểm lâm và Sở Nông nghiệp Nghệ An trả lời cho dân được rõ.
Phùng Văn Mùi
.