Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đã trôi qua, tuy nhiên tình trạng tăng giá đồng loạt của các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho những ngày này tại các thị trường tự do và hệ thống chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh vẫn không ngừng đội lên. Điều này đã khiến các bà nội trợ không khỏi ngỡ ngàng, khi hàng ngày vẫn phải chi tiêu một khoản tiền không nhỏ vào nhu cầu ăn uống.
Mỗi khi vào dịp Tết Nguyên đán thì nhu cầu hàng hóa thiết yếu lại tăng cao đột biến, khiến giá cả theo đó thay đổi từng ngày. Đặc biệt hơn, nhiều mặt hàng đã lợi dụng khoảng thời gian này để hình thành một mặt bằng giá mới, cho những ngày sau Tết.
Theo khảo sát tại một số chợ lớn như chợ Vinh, chợ Ga Vinh, chợ Quán Lau, chợ Hưng Dũng, chợ Đại học - Bến Thủy… giá nhiều mặt hàng như rau xanh, thực phẩm đã được đội lên gấp 2 - 3 lần.
Thời điểm trước Tết, giá thực phẩm lên đến đỉnh điểm vào sáng 29 Tết, khi 1kg gà thịt có giá 280.000 đồng, cao gần gấp 3 so với ngày thường. Giá thịt bò, thịt lợn cũng tháng đổi liên tục. Trong đó, thịt bò những ngày trước Tết một tuần có giá ổn định từ 170.000 - 180.000 đồng/kg, đến ngày áp Tết mặt hàng này lại khan hiếm, có thời điểm giá lên đến 270.000 - 280.000 đồng/kg.
Sau Tết, mặc dù các chợ họp trở lại từ khá sớm nhưng giá thực phẩm vẫn khá cao. Những ngày mồng 2, mồng 3, giá 1 kg thịt bò gần 300.000 đồng. Các mặt hàng khác như hàng thủy, hải sản, thịt lợn những ngày sau Tết giá cũng cao hơn ngày thường từ 5 - 7 giá.
Trong khi giá cả tăng cao, đời sống của người dân, nhất là HSSV gặp khó khăn
Cùng xu hướng tăng với thực phẩm, rau xanh lại có mức tăng khá mạnh. Nguyên do của tình trạng tăng giá "đột biến" này qua tìm hiểu của chúng tôi là do người bán đánh vào tâm lý người mua khi thấy khách hàng đổ xô vào mua thực phẩm dự trữ Tết.
Trong lúc nguồn hàng khan hiếm sau khi huy động cung ứng cho dịp Tết, trong khi đó việc tái đàn gia súc gia cầm chưa kịp thời và vụ rau mới chưa tới độ thu hoạch. Ngoài ra, thời tiết rét đậm kéo dài suốt thời gian vừa qua cũng ảnh hưởng tới nguồn cung của các mặt hàng thực phẩm.
Ông Nguyễn Tài Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý giá, cho biết: Trong dịp Tết Nhâm Thìn, tỉnh đã chi hơn 5 tỷ đồng để nhằm bình ổn giá. Tuy vậy, số tiền này chỉ đủ để hỗ trợ một số đơn vị dự trữ một số mặt hàng lương thực khô như dầu, gạo, nếp, đường, nước mắm...
Thực tế, việc tăng giá thực phẩm trước, trong và sau Tết đã trở nên quen thuộc nhiều năm nay. Sở Công thương cũng đã lường trước vấn đề này, tuy nhiên để kìm hãm và giải quyết vấn đề còn nhiều bất cập.
Cũng theo nhận định của ông Dũng, tình trạng tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu này sẽ được "hạ nhiệt" dần trong những ngày tới, nhất là sau rằm tháng Giêng, khi nguồn cung đi vào ổn định và hoạt động kinh doanh của nhiều cơ sở đầu mối được đi vào hoạt động bình thường, lúc đó giá cả những mặt hàng sẽ trở lại mức ổn định.
Trước tình trạng giá cả thị trường tăng như hiện nay, khiến nhiều chủ cửa hàng gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Do giá cả thị trường tăng nên lượng khách hàng giảm đi đáng kể so với trước, nhiều mặt hàng tiêu thụ chậm. Trước khó khăn về giá cả, người tiêu dùng đang “khan tiền” nên lượng người mua đã giảm đi đáng kể.
Còn với những bà nội trợ, những người đối diện trực tiếp với giá cả hàng ngày, trong tình hình giá cả đắt đỏ như hiện nay, trước khi có sự vào cuộc bình ổn giá cả của các cơ quan chức năng thì bản thân mỗi gia đình cần phải tự biết tiết kiệm hợp lý trong sinh hoạt, chi tiêu để vượt qua cơn bão giá.
Xuân Thống
.