Cùng với cây chè, cây giong riềng, cây gừng giờ đây được bà con nơi đây nhắc tới như một giống cây xóa đói giảm nghèo. Trước hiệu quả mà cây gừng mang lại, huyện Kỳ Sơn đang đưa ra những chính sách để cây gừng có thể nhân rộng và phát triển một cách bền vững.
Năm 2010, gia đình anh Lầu Bá Xềnh trồng 2 ha gừng. Gừng được mùa, trung bình mỗi ha cho thu hoạch từ 4 - 5 tấn. Với giá thu mua từ 18 - 20 nghìn/1kg như hiện nay, anh dự tính sẽ thu được gần 200 triệu đồng. Năm nay lại một vụ trồng gừng được xem là thắng lợi của gia đình anh cũng như nhiều gia đình khác trên địa bàn xã Na Ngoi.
Anh Lầu Bá Xềnh bản Ca Trên, Na Ngoi, Kỳ Sơn phấn khởi kể với chúng tôi: “Năm năm không chỉ gia đình tôi mà cả bản, cả xã đều vui mừng vì được mùa gừng. Làm rẫy đã nhiều năm nhưng chưa năm nào được mùa như năm nay. Làm gừng hiệu quả hơn so với làm lúa rẫy, mà lại có người đến tận bản để mua”.
Gừng là một trong những cây lâu đời của bà con dân tộc Mông ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Trước đây nó được trồng một cách tự phát, nhỏ lẻ. Nhưng vài năm trở lại đây, nhận thấy đây là cây dễ trồng, ít công chăm bón lại cho thu hoạch nhanh, chỉ sau 4 - 6 tháng, Na Ngoi đã phát động bà con nhân rộng giống cây này.
Năm 2010, toàn xã có trên 320 ha gừng, thì năm nay diện tích gừng đã tăng lên 700 ha, gấp đôi so với năm 2010, 100% số hộ trong xã đều trồng gừng. Ước tính sản lượng lên tới gần 4 nghìn tấn. Một điều rất vui cho bà con là có thương lái tìm về tận bản để thu mua.
Ông Hạ Xê Phổng - Phó Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Năm nay, toàn xã trồng được nhiều gừng, diện tích lớn, giờ chỉ mong cấp trên tạo điều kiện cho khâu tiêu thụ, làm sao có nhà máy chế biến gừng hoặc nhà máy thu mua để đảm bảo đầu ra ổn định”.
Người dân Na Ngoi được mùa gừng
Nhưng điều mà chính quyền huyện nhà quan ngại nhất hiện nay là, trên thực tế người dân đang trồng gừng một cách tự phát, canh tác lại theo những phương thức cũ. Với thực trạng này, việc trồng gừng có độ rủi ro rất cao, dễ dẫn đến tình trạng được giá thì bà con trồng ồ ạt, mất giá lại bỏ bê.
Hiện tại, các đơn vị đóng chân trên địa bàn Na Ngoi, cũng như chính quyền huyện, xã đang tích cực mở các lớp tập huấn để người dân đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng thử nghiệm các giống gừng mới cho năng suất cao hơn.
Cùng với đó là ý tưởng xây dựng một nhà máy chế biến gừng cũng đang được hình thành, có như vậy mới đảm bảo đầu ra cho cây gừng một cách bền vững. Ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện cho rằng: “Từ việc trồng thí điểm gừng hàng hóa ở Na Ngoi chúng tôi đã nhận thấy hiệu quả của cây gừng, thời gian tới chúng tôi sẽ nhân rộng cây gừng ra các xã khác có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch để nhân rộng và phát triển cây gừng bền vững”.
Việc biến Na Ngoi trở thành vùng chuyên canh trồng gừng hàng hóa không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà nó còn làm thay đổi tập quán đốt rừng làm nương rẫy của người dân nơi đây. Giúp họ tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó đoàn kết xây dựng xã vùng biên này ngày càng giàu mạnh, đảm bảo an ninh biên giới.
Xuân Thao - Phan Tâm
.