Để bảo quản những loại thực phẩm kém chất lượng, trước khi lưu hành trên thị trường, những đối tượng hám lợi thường cho ngâm, sục các loại hóa chất có tác dụng chống thối rữa, phân hủy, giúp tẩy trắng…
Những loại hóa chất độc hại này dù có được đun sôi đến hàng trăm độ vẫn không thể “bay” hết được. Một khi chất độc đã ngấm vào cơ thể, sẽ để lại những hậu quả khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng.
Hành vi ngang nhiên buôn bán các loại thực phẩm kém chất lượng nhằm mục đích trục lợi, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng biểu hiện sự coi thường, xem nhẹ các quy định của pháp luật, đồng thời, thể hiện sự xói mòn trong văn hóa, đạo đức kinh doanh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thực phẩm “bẩn” hoành hành. Về phía người tiêu dùng, không ít người vẫn còn tồn tại tâm lý chủ quan, dễ dãi khi mua hàng do chưa được trang bị những kiến thức cần thiết về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để tự bảo vệ mình. Trước khi mua một loại thực phẩm, món hàng nào đó, người mua phải biết được nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng mình sẽ mua.
Nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn thích mua những mặt hàng có giá càng rẻ càng tốt mà xem nhẹ chất lượng của món hàng, cũng như không mấy quan tâm tới hạn sử dụng, xuất xứ, quy cách đóng gói, bảo quản của mặt hàng mình dự định mua.
Một số người còn “tặc lưỡi” cho rằng: Chỉ cần qua chế biến, nấu sôi lên là thực phẩm sẽ hết độc hại. Việc kinh doanh, buôn bán thực phẩm “bẩn” hiện nay được xem là siêu lợi nhuận, “một vốn bốn lời”, đây cũng là nguyên nhân quan trọng, chủ yếu dẫn tới tình trạng thực phẩm thiếu an toàn vệ sinh xuất hiện ngày càng nhiều.
Vì mục đích lợi nhuận, nhiều “đầu nậu” đã chọn thời điểm trước và sau Tết, sức mua của người dân tăng nhanh để vận chuyển các loại thực phẩm “bẩn” (chủ yếu là nhập lậu) tới các tỉnh, thành tiêu thụ. So với những khoản lợi nhuận “kếch xù” mà những kẻ buôn bán, vận chuyển thực phẩm thiếu an toàn thu được thì những quy định, chế tài xử lý các hành vi vi phạm hiện còn quá nhẹ.
Luật an toàn thực phẩm đã có hiệu lực thi hành nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực thi, nên việc xử lý các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực này vẫn theo Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24/4/2009. Theo Nghị định này, các cá nhân có hành vi kinh doanh, vận chuyển, buôn bán sản phẩm động vật không có giấy phép chứng nhận kiểm dịch với số lượng lớn, nhỏ đều chỉ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
Do chế tài xử phạt quá nhẹ nhàng, các đối tượng vận chuyển, buôn bán thực phẩm “bẩn” đã bất chấp các quy định để vi phạm, nếu bị bắt, chúng sẵn sàng bỏ ra số tiền 2 triệu đồng nộp phạt.
Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm năm nay diễn ra sớm hơn so với mọi năm, cao điểm từ 10/1 - 10/2/2012. Trước mắt, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sau dịp Tết Nhâm Thìn, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, giám sát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển các mặt hàng trên, nhất là các chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ…
Được biết, trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có 10 đoàn thanh tra liên ngành sẽ tiến hành kiểm tra tại 21 tỉnh, thành phố trọng điểm về điều kiện vệ sinh, thiết bị, dụng cụ sản xuất thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa… Nên chăng, hoạt động này cần được tiến hành thường xuyên, mở rộng theo hướng lãnh đạo các địa phương để xảy ra nhiều vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Cần tránh cách làm theo kiểu “thời vụ”, “đầu voi, đuôi chuột” như đã từng xảy ra. Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn các chế tài đủ mạnh để xử lý các vụ việc vi phạm, góp phần khắc phục hiện tượng “nhờn luật” đang tồn tại hiện nay.
Trong khi chờ đợi hiệu quả, tác dụng từ các đợt “ra quân” của các ngành chức năng, tốt nhất, người tiêu dùng cần biết cách tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bằng việc tìm mua sản phẩm ở những điểm bán hàng có uy tín, mặt hàng phải có xuất xứ rõ ràng, cũng như các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Đối với các mặt hàng thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm, phải có dấu kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch đáng tin cậy. Kiên quyết “tẩy chay”, không mua và sử dụng các loại thực phẩm thiếu an toàn cũng là biện pháp hữu hiệu nhằm góp phần “xóa sổ” các loại thực phẩm “bẩn” đang lưu hành trôi nổi trên thị trường.
Bùi Minh Tuấn
.