Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//goc-anh/201902/tinh-yeu-cam-tu-vuot-qua-moi-dinh-kien-cua-cap-doi-viet-trieu-840157/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//goc-anh/201902/tinh-yeu-cam-tu-vuot-qua-moi-dinh-kien-cua-cap-doi-viet-trieu-840157/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tình yêu 'cảm tử' vượt qua mọi định kiến của cặp đôi Việt-Triều - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 21/02/2019, 10:06 [GMT+7]

Tình yêu 'cảm tử' vượt qua mọi định kiến của cặp đôi Việt-Triều

“Tất cả là vì tình cảm” - đây là câu trả lời ngắn gọn của ông Phạm Ngọc Cảnh khi được hỏi về động lực to lớn nào khiến ông và bà Ri Yong Hui – một phụ nữ Triều Tiên có thể vượt qua những khó khăn của thời chiến, vượt qua chia cắt về không gian và thời gian, vượt qua định kiến để đi đến hạnh phúc.

Năm 1967, chàng trai Phạm Ngọc Cảnh cùng 200 thanh niên Việt Nam khác lên đường sang Triều Tiên học tập. Ở đó, vào năm 1971, ông Cảnh quen bà Ri Yong Hui khi đi thực tập tại một nhà máy. Cuộc gặp gỡ định mệnh này sau đó mở ra một câu chuyện tình đầy trắc trở, lay động biết bao nhiêu trái tim.

“Bạn bè của cô ấy ở phân xưởng đều bảo là “có anh người Việt Nam trông giống mày lắm”, ông Cảnh nhớ lại những kỷ niệm ban đầu khi gặp bà Ri. Đây cũng là ấn tượng ban đầu của bà về chàng trai trẻ người Việt Nam.

Ấn tượng đầu tiên về cô gái Triều Tiên Ri Yong Hui đến giờ ông Cảnh vẫn không thể nào quên: “Tại phân xưởng, có phòng thí nghiệm quây bằng tường kính trong suốt. Ngay lúc tôi nhìn thấy Ri đang làm việc trong phòng thí nghiệm tôi đã nghĩ rằng giá cô ấy là vợ mình”.

Thời điểm ông bà quen nhau, cả Triều Tiên và Việt Nam đều cấm việc kết hôn với người ngoại quốc. Mẹ bà Ri Yong Hui đã dặn con gái nói với ông Cảnh đừng đến chơi nhà nữa. Có lẽ mẹ của bà Ri mường tượng được chặng đường chông gai ở phía trước đang chờ đợi con gái và chàng trai trẻ Việt Nam. Bất chấp khó khăn, hai người vẫn tìm cách bí mật gặp gỡ, vun đắp cho tình yêu bị cấm đoán.

Năm 1973, ông Cảnh kết thúc khóa học, đem theo mối tình dang dở với cô gái Triều Tiên trở về Việt Nam. Dù sau đó ông Cảnh cũng có lần trở lại Triều Tiên, nhưng để gặp lại bà Ri Yong Hui không hề dễ dàng.

Chuyện tình cảm với cô gái Triều Tiên được ông Cảnh giữ kín với ngay cả bố mẹ mình. Đến năm 1997, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Mạnh Cầm có chuyến thăm Triều Tiên. Lúc đó ông Cảnh mới dám thú thật với bố mẹ và nhờ bố ông - một cán bộ ngoại giao, đến gặp Bộ trưởng để nhờ giúp đỡ.

“Tôi viết một bức thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm trình bày việc của mình, để nhờ Bộ trưởng khi sang Triều Tiên có thể vận động phía bạn cho phép cuộc hôn nhân này”, ông Cảnh kể lại.

Cuối những năm 1990, Triều Tiên lâm vào khủng hoảng, hạn hán, thiếu lương thực. Nghe tin đó, ông Cảnh đã cùng Câu lạc bộ Hữu nghị Việt-Triều, gồm các anh em, bạn bè từng đi học ở Triều Tiên về, kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân nước bạn.

“Mọi người đều bảo nhau rằng, trước mình học bên kia người ta nuôi mình. Giờ nước bạn gặp khó khăn, mấy anh em quyên góp tiền mua gạo ủng hộ và mọi người đều nhất trí tham gia. Thời điểm đó, chúng tôi quyên góp được hơn 14 triệu đồng, tương đương với 7 tấn gạo. Khoản tiền được chuyển cho Hội Hữu nghị Việt-Triều và Hội đã trao cho Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam”, ông Cảnh nói.

Hành động của ông Cảnh cùng những người bạn của CLB Hữu nghị Việt-Triều đã được ghi nhận. Với thực tế rõ ràng là Việt Nam thời điểm đó cũng còn rất khó khăn, nhưng con người Việt Nam vẫn sống rất tình nghĩa.

Tháng 5/2002, khi biết Chủ tịch nước khi đó là ông Trần Đức Lương sắp đi thăm Triều Tiên, ông Cảnh lại một lần nữa viết thư kể về câu chuyện của mình, nhờ người quen gửi tới Chủ tịch nước và nhờ Chủ tịch nước giúp đỡ. Đồng thời, ông cũng viết một bức thư và nhờ bố ông gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là ông Nguyễn Dy Niên. Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên đã báo cáo với Chủ tịch nước về trường hợp của ông Cảnh ngay trên máy bay trong chuyến hành trình sang Triều Tiên. Chủ tịch nước đồng ý và khi đoàn sang đến Triều Tiên, câu chuyện tình yêu vượt không gian và thời gian được đưa vào nội dung hội đàm giữa hai nước. Phía Triều Tiên hứa sẽ “xem xét và trả lời sau” về việc này.

Nhớ lại lúc đó ông Cảnh cho biết, ông toại nguyện vì đã được các cấp lãnh đạo quan tâm đồng ý giúp đỡ, ông đã làm hết sức, “có được hay không được cũng không còn gì áy náy”. “Trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ phía Triều Tiên đã hứa xem xét có nghĩa là được bởi với phong cách ngoại giao thông thường của Triều Tiên, nếu không được họ đã từ chối ngay”, ông Cảnh nói.

Vẫn như từng ấy năm trôi qua, ông Cảnh tiếp tục chờ đợi… Tháng 8/2002, ông đưa đoàn xe đạp Hà Nội sang tập huấn và thi đấu ở Hàn Quốc. Theo kế hoạch, đoàn lưu lại Hàn Quốc 3 tháng, đến tháng 11 mới về nhưng vào một đêm đầu tháng 9, ông Cảnh nằm mơ thấy mẹ của ông – người qua đời một năm trước. Ông Cảnh sốt ruột, nghĩ ở nhà có chuyện nên đổi vé máy bay quay trở về Việt Nam sớm hơn kế hoạch.

Về đến nhà ông nhận được tin cho biết, Đại sứ Triều Tiên tới Bộ Ngoại giao Việt Nam và trao Công hàm của Thường vụ Quốc hội Triều Tiên phê chuẩn, cho phép ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui được kết hôn với nhau. Còn việc sinh sống ở đâu là do quyết định của hai người. Nếu ở Việt Nam, bà Ri Yong Hui vẫn giữ quốc tịch Triều Tiên.

Ở Triều Tiên cũng có quan niệm “thuyền theo lái, gái theo chồng”, theo ông cảnh, đó là lý do ông và bà Ri chọn ở Việt Nam. “Nhưng nếu lúc đó bắt buộc phải ở lại Triều Tiên mới được lấy người mình yêu tôi cũng sẽ làm như vậy”, ông Cảnh nói.

Sau khi nhận được tin vui, ông Cảnh đến ga Hàng Cỏ để mua vé tàu đi đón dâu. Ở thời điểm này mỗi tuần có 2 chuyến tàu sang Bắc Kinh (vào thứ Ba và thứ Sáu). Ngày 1/10/2002 có chuyến tàu sang Trung Quốc để tiếp tục đi Triều Tiên. Ông Cảnh thông báo với phía Đại sứ quán Triều Tiên về kế hoạch của mình nhưng Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam cho biết: “Nói như thế thôi chứ đồng chí phải từ từ để bên kia gửi giấy mời sang thì mới đi!”.

Ông Cảnh dứt khoát: “Tôi lấy vé rồi, ngày 1/10 là tôi đi”. Trước sự kiên quyết của ông Cảnh, Đại sứ Triều Tiên xuống nước: “Có khi cũng phải đi sang chứ cứ ngồi chờ cũng không biết đến khi nào” và cũng không quên dặn ông Cảnh sang Triều Tiên phải tổ chức cưới ở nhà gái trước, nhớ mang theo gạo, bánh, thuốc lá, trà, rượu...

Sang đến Triều Tiên, ông Cảnh được sắp xếp ở lại Đại sứ quán Việt Nam, phía bạn yêu cầu ông chờ, địa phương sẽ đưa cô dâu tới, ông không phải xuống địa phương. Sau khi bà Ri tới, hai người được bố trí ở khách sạn Thanh Niên tại Bình Nhưỡng.

Buổi tối hôm đó, hai bên thu xếp để cô dâu và chú rể gặp nhau. Ngay cả đến lúc này, dường như cuộc tình đầy sóng gió của hai người vẫn chưa được “xuôi chèo mát mái”, khi thang máy đưa ông Cảnh lên tầng 25 của khách sạn gặp bà Ri để tặng quà bị trục trặc vì mất điện. Hai người chỉ có thể trở xuống gặp các cán bộ ngoại giao đang chờ ở dưới bằng thang bộ với chiếc đèn pin ông Cảnh cẩn thận mang theo bên mình khi đi gặp cô dâu. Sự chu đáo của ông Cảnh làm các cán bộ ngoại Triều Tiên bất ngờ nhưng ông Cảnh cho biết, Việt Nam cũng từng bị thiếu điện trong thời kỳ chiến tranh và ông đã chuẩn bị những chi tiết dù là nhỏ nhất cho chuyến đi của cuộc đời mình.

31 năm chờ đợi, vượt qua muôn vàn cách trở và khó khăn, nhiều khi tưởng như tuyệt vọng để đến ngày hạnh phúc đơm hoa kết trái nhưng cả ông Cảnh và bà Ri lại chọn cách im lặng, gần như không nói gì với nhau.

“Ngay từ đầu tôi đã xác định sẽ không nói chuyện gì cả vì nói nhỡ sai điều gì thì có thể sẽ hỏng việc. Trông thấy cô ấy tôi nói ‘vất vả quá nhỉ’, Ri chỉ ngồi im”, ông Cảnh kể lại.

 
Ông Cảnh cho biết, trong ngày gặp lại người yêu sau bao năm xa xách (từ năm 1978 đến năm 2002), ông không cảm thấy gì nữa bởi cả ông và bà Ri đã quá quen với việc phải chia ly, nhưng tình yêu ông dành cho bà thì vẫn còn vẹn nguyên.

Trong suốt khoảng thời gian xa cách, hai người chỉ liên lạc qua thư tay. Mỗi năm ông Cảnh và bà Ri viết cho nhau từ 2 đến 3 lá thư. Ông Cảnh cũng chỉ dám đề tên người nhận là mẹ của bà Ri để tránh những phiền phức có thể phát sinh khi một phụ nữ Triều Tiên trẻ tuổi trao đổi thư với một nam giới ngoại quốc.

Nội dung trong những lá thư cũng chỉ hỏi thăm sức khỏe, công việc... “Chủ yếu là để có thông tin về nhau, thế là đủ rồi!”, ông Cảnh nói. Đó là cách mà hai ông bà duy trì tình cảm trong suốt 24 năm xa cách, không lời hẹn ước, không có bất cứ điều gì đảm bảo họ sẽ đến được với nhau, nhưng họ vẫn chờ nhau...

Có những lúc ông Cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng khi không có tin tức từ người yêu, nhưng trước câu hỏi: “Nếu yêu nhau không thể đến được với nhau, liệu ông có khi nào nghĩ đến một ngã rẽ khác hay không?”, ông Cảnh không do dự khẳng định, không bao giờ có suy nghĩ khác về mối tình với bà Ri. “Khi theo đuổi mối tình này tôi xác định phải chờ đợi thời cơ. Đây là tình yêu cảm tử!”.

Ngày 23/10/2002, cặp đôi lên tàu trở về Việt Nam và tàu về đến ga Hàng Cỏ bốn hôm sau đó. Đám cưới của hai người được tổ chức ở Việt Nam vào ngày 13/12/2002. Trở thành cô dâu Việt Nam bà Ri không gặp quá nhiều khó khăn trong sinh hoạt bởi Triều Tiên và Việt Nam có nhiều yếu tố lịch sử giống nhau, cùng trải qua những giai đoạn chiến tranh khó khăn, những bữa cơm độn quen thuộc… nhưng bà Ri vẫn ngại chia sẻ về mình. Theo ông Cảnh, kể từ khi hai người quen nhau bà Ri đã như vậy, bởi cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt là với vợ ông – người có thân nhân ly tán trong chiến tranh.

Vẫn còn những nỗi niềm chất chứa trong lòng người phụ nữ Triều Tiên có bề ngoài nhút nhát, ít nói, ngại giao tiếp. Trải qua biết bao sóng gió, có lẽ bà Ri muốn chọn cái cách mà ông và bà không ai bảo ai từng làm, những mong để tình yêu không vượt khỏi tầm tay trong ngày hội ngộ 17 năm về trước.

Đó là im lặng…/.

 

.

Nguồn: vov.vn