Góc ảnh
Nhiều dự án ngành nông nghiệp dở dang
(Congannghean.vn)-Tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh, một số dự án do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư đang dở dang, “đắp chiếu” hoặc chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như quá trình lao động, sản xuất của bà con nhân dân.
Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho các hộ dân bị thiên tai, sạt lở đất “dậm chân tại chỗ” khiến nhiều hộ dân khốn đốn |
Từ nhiều năm nay, người dân xóm 1A, xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên “kêu trời” vì Dự án “Đường thoát lũ hạ du sông Lam” nằm trên địa bàn đang thi công dở dang thì dừng lại, khiến cho việc lưu thông trên tuyến đường từ cầu đê 42 vào xóm này gặp rất nhiều khó khăn. Dự án thi công dở dang khiến người dân địa phương không có cầu và đường để đi lại. Được biết, Dự án “Đường thoát lũ hạ du sông Lam” do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, được thi công qua các xóm 1A, 1B và xóm 2, xóm 3, xã Hưng Lĩnh. Do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay, còn khoảng 200 m đường qua xóm 1A và 1 cầu từ đê 42 đến xóm 1A chưa thi công.
Cũng trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho các hộ dân bị thiên tai, sạt lở đất đã triển khai từ 7 năm nay, nhưng hiện vẫn đang dở dang, khiến cho hàng chục hộ dân sinh sống bên ngoài đê 42 thiếu thốn về đất ở, đất sản xuất, đặc biệt là gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi mùa mưa lũ đến.
Theo đó, ngày 29/12/2011, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 5833/QĐ-UBND.NN, đồng ý cho Chi cục Phát triển nông thôn (trực thuộc Sở NN&PTNN) làm chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho các hộ dân bị thiên tai, sạt lở đất tại xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên. Tổng số vốn đầu tư cho dự án này là 24,417 tỉ đồng, với mục đích để di dời khẩn cấp 100 hộ dân vùng thiên tai, sạt lở đất ven sông Lam, trong đó có một số hộ dân 2 xóm 8 và 9, xã Hưng Lam. Dự án cũng đã được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Từ năm 2017 đến nay, dự án mới chỉ được bố trí 5,95 tỉ đồng nên các hạng mục xây lắp chưa hoàn thiện, khiến cho người dân nằm trong diện di dời chưa thể di chuyển đến nơi ở mới. Do vậy, sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi, nhiều hộ vẫn phải nơm nớp cảnh “sống chung với lũ”, thiếu đất để sản xuất, làm nhà ở, đặc biệt là trẻ em ở ngoài đê sông Lam vẫn phải vượt sông để vào đê đến trường, bất chấp mùa mưa lũ đang cận kề.
Tại địa bàn huyện Đô Lương, theo phản ánh của người dân, Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi bắc (Jica) triển khai trên địa bàn, đến nay có nhiều bất cập, không đảm bảo chất lượng.
Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An được Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1929/QĐ.BNN-TCTL ngày 14/8/2012, với tổng mức đầu tư hơn 5.705 tỉ đồng, vay vốn ODA Nhật Bản (JICA). Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư hợp phần 1 (khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An được chia thành 26 gói thầu), tổng mức đầu tư 5.205 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là đảm bảo tưới ổn định cho 27.656 ha đất nông nghiệp; tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp 1,89 m3/s và sinh hoạt 1,59 m3/s (khoảng 900.000 nhân khẩu) cho các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai. Đồng thời, nâng cấp, mở rộng cống Diễn Thành để tiêu úng, giảm ngập cho 1.920 ha vùng trũng 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu.
Trên địa bàn huyện Đô Lương hiện có 5 gói thầu đang triển khai thi công. Quá trình thi công có nhiều phát sinh, bất cập tại các vị trí như kênh trạm bơm Đông Sơn, tuyến kênh VT 3-2 tại xã Văn Sơn, tuyến kênh VT 4-7 cấp nước cho 2 xã Minh Sơn và Xuân Sơn…
Ông Nguyễn Bá Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết, vấn đề bất cập của hệ thống kênh mới đã được người dân phản ánh nhiều trong các lần họp HĐND huyện và tiếp xúc cử tri. Đơn cử, kênh N3 và N36 đi qua xã Tân Sơn đưa vào sử dụng từ năm 2017 đến nay, đầu kênh thì ngập nước, còn cuối kênh lại thiếu nước. Tại xã Xuân Sơn, người dân cho rằng, kênh N43 có thiết kế không phù hợp, quá nhỏ so với diện tích cần tưới. Do đó, sau khi kênh JICA đi vào hoạt động, xã Xuân Sơn đã phải cho khơi lại kênh đất chạy song song một bên mới đáp ứng kịp thời vụ và đủ nước tưới. Theo phản ánh, ngoài việc bất cập trong thiết kế, nhiều gói thầu của dự án trên địa bàn Đô Lương hiện nay cũng đang chậm tiến độ.
Trong số các dự án do ngành nông nghiệp làm chủ đầu tư trên địa bàn Nghệ An, nghiêm trọng nhất đến thời điểm này là Dự án hồ thủy lợi bản Mồng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Dự án này được Nhà nước đầu tư với tổng mức kinh phí hơn 4,4 nghìn tỉ đồng, với 4 hợp phần xây dựng, được khởi công xây dựng từ năm 2010. Công trình kênh tiêu Châu Bình được đầu tư khoảng 750 tỉ đồng, nhưng năm 2017 đã bị sạt lở nghiêm trọng ngay khi chưa thi công xong, với chiều dài hơn 2.000 m.
Cùng với việc đến nay, hợp đồng bảo hiểm chưa thanh toán được, dự án cũng đang đội vốn rất nhiều so với kinh phí được phê duyệt ban đầu. Cụ thể, trước đó, ngày 12/9/2014, Ban quản lý dự án bản Mồng ký Hợp đồng bảo hiểm số 09/2014/BHXD với Tổng Công ty Bảo Việt - Công ty Bảo Việt Lâm Đồng (trụ sở tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Tổng mức phí là hơn 3,7 tỉ đồng cho giá trị bảo hiểm công trình tối đa hơn 605 tỉ đồng đối với dự án đập phụ, kênh thông hồ và kênh tưới tiêu Châu Bình. Tuy nhiên, hiện nay, do một số vướng mắc nên phía bảo hiểm vẫn chưa xem xét bồi thường.
Ngoài ra, hiện còn nhiều dự án khác đang triển khai dở dang thì dừng lại, làm cho cuộc sống, sản xuất của người dân bị đảo lộn. Đơn cử, Dự án nâng cấp tuyến đê Lương - Yên - Khai (Thanh Chương) dang dở và ngừng thi công từ năm 2015; Dự án sửa chữa nâng cấp hệ thống tiêu Vách Nam - sông Bùng (Diễn Châu, Yên Thành) được triển khai từ năm 2012, đến nay giai đoạn 1 vẫn chưa hoàn thiện; Dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ biển xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu); Dự án xây dựng tuyến đê bãi Ngang; Sửa chữa, nâng cấp tuyến đê biển Nghi Yên (Nghi Lộc), đê Tả Lam (Nam Đàn)… đều thi công giữa chừng thì dừng lại. Theo đại diện ngành NN&PTNT Nghệ An, lý do chính là các dự án này còn nợ đọng vốn nên buộc dừng triển khai để chờ nguồn ngân sách.
Thiện Thành