Chủ Nhật, 18/10/2020, 16:58 [GMT+7]
CỨU HỘ ĐOÀN 337

Đồng đội mình đang nằm dưới đó! Phải bằng mọi cách, nhanh chóng tìm kiếm đưa anh em ra ngoài

 

Rạng sáng 18/10, đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến hơn 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương: Đồng chí đồng chí, đồng đội mình đang nằm dưới đó; bằng mọi cách, nhanh chóng, tìm kiếm đưa anh em ra ngoài.
Trung tướng Nguyễn Tân Cương: Đồng chí đồng chí, đồng đội mình đang nằm dưới đó; bằng mọi cách, nhanh chóng, tìm kiếm đưa anh em ra ngoài.

Trao đổi với báo chí, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Sau khi nhận được báo cáo của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã nhanh chóng thành lập Đoàn công tác do tôi làm Trưởng đoàn cùng đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Văn Nghĩa đi cùng để vào khảo sát, nắm tình hình, chỉ đạo Quân khu 4, cùng với các lực lượng của toàn quân và địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ sạt lở.

Hiện nay, chúng tôi cũng đã trao đổi trực tiếp với địa phương  phải nhanh chóng khắc phục các ngầm bị sạt lở, đường dẫn vào Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. 

Tôi cũng đã chỉ đạo đồng chí Thiếu tướng Hà Tân Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 4 trực tiếp chỉ đạo trong hiện trường, khẩn trương sử dụng các phương tiện, lực lượng tại chỗ  tìm kiếm anh em cán bộ, chiến sĩ hiện đang bị mất tích. 

Đồng thời có các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn; tuyệt đối được để xảy ra bất cứ sự cố nào tiếp theo.

Hiện nay, anh em cán bộ chiến sĩ xác định đồng chí, đồng đội mình đang nằm dưới đó và xác định trách nhiệm rất cao là phải bằng mọi cách, nhanh chóng, tìm kiếm đưa anh em ra ngoài.

Chúng tôi vẫn tổ chức lực lượng canh gác ở các khu vực để sẵn sàng báo động, nếu giả sử có hiện tượng sạt núi nữa thì báo động để lực lượng tại hiện trường rút ngay ra để bảo đảm an toàn.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương cho biết thêm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã quyết định điều 2 máy bay trực thăng từ Đà Nẵng ra khu vực này để nhận hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men thiết yếu, khi thời tiết tốt thì bay vào cứu trợ bà con.    

Đã tìm thấy 12 thi thể

Đến 15.10’, lực lượng cứu nạn tìm thấy 12 thi thể cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 tại hiện trường vụ sạt lở. 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, dự kiến khoảng 16 giờ cùng ngày sẽ thông đường vào thôn Cợp. Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn được dời từ thị trấn Khe Sanh đến thôn Choa, xã Hướng Phùng để gần hiện trường hơn. 

Khó khăn nhất hiện nay là đường vào thôn Cợp bị tắc khoảng 3km do có 3 điểm sạt lở đất đá lớn. Tại đây đang có mưa nên công tác khắc phục các điểm sạt lở rất khó khăn. 

Trực tiếp chỉ đạo tại các điểm sạt lở, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, các đơn vị đang dùng đá hộc, rọ đá để khắc phục những điểm sụt lún trên đường vào thôn Cợp

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo khẩn

Ngày 18/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công điện số 14/CĐ-UBND điện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phố về việc triển khai ứng cứu và chủ động phòng tránh sạt lở đất do mưa lũ. 

Nội dung Công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện khẩn số 13/CĐ-UBND ngày 16/10/2020 của UBND tỉnh về triển khai các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

Các địa phương, đơn vị kịp thời rà soát, huy động lực lượng tại chỗ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất; tuyên truyền, vận động những hộ dân ở các khu vực nguy hiểm chủ động di dời đến nơi an toàn, không được chủ quan, lơ là, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế để bảo đảm an toàn tính mạng; Có giải pháp khắc phục tạm thời tại các khu vực xung yếu bị sạt lở; Lập hàng rào, biển báo đảm bảo an toàn tại các khu vực có nguy cơ sạt lở;

Tiếp tục huy động lực lượng tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm và bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân phải di dời, không để người dân bị đói, rét.

Công an tỉnh phối hợp với các địa phương bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực sạt lở, tuyến giao thông bị chia cắt do sạt lở; Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả.

UBND tỉnh Quảng Trị giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Thành lập Tổ công tác chỉ huy tại hiện trường để phối hợp với các lực lượng khác kịp thời tiếp cận, triển khai cứu nạn tại các điểm sạt lở ở Km17 tuyến Hồ Chí Minh nhánh Tây từ Khe Sanh đi Hướng Phùng và ở xã Húc, huyện Hướng Hóa.

Chủ trì, phối hợp với các lực lượng đóng trên địa bàn tuyến biên giới sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ triển khai ứng cứu, tìm kiếm người mất tích, bị nạn, đồng thời hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với Cục Quản lý đường bộ 2 kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để khắc phục hậu quả, khôi phục các tuyến giao thông, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị viễn thông có phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt để phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, dụng cụ, thuốc chữa bệnh, đội ngũ y bác sĩ đảm bảo đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường và khi có yêu cầu khẩn cấp khác.

Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình sạt lở đất; tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Đến 11 giờ 30 phút, đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 4.

Đi cứu hộ, Trung úy Công an tử vong, 4 người mất tích

Ngày 18/10, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết công tác tìm kiếm 11 người mất tích (gồm 7 người dân và 4 người đi tìm kiếm) trên địa bàn xã Hướng Việt (giáp xã Hướng Phùng, nơi xảy ra vụ sạt lở vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337), huyện Hướng Hóa gặp nhiều khó khăn do địa bàn bị chia cắt, sạt lở. 

Trước đó, vào tối ngày 17/10, nhận được tin báo có 7 người dân đi làm rẫy bị mất liên lạc, chính quyền xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa cử tổ cán bộ xã gồm 7 người đi tìm kiếm. 

Trên đường đi do gặp lũ dữ khiến một Thượng úy, Công an viên trong tổ tìm kiếm cứu nạn tử vong, 2 người khác bị thương nặng gồm Chủ tịch UBND xã và Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt; 4 người khác vẫn đang mất tích.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Công tác cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm 11 người bị mất tích đang gặp nhiều khó khăn do địa bàn bị chia cắt vì sạt lở chưa thể tiếp cận được. Tỉnh đã tính đến phương án xin hỗ trợ trực thăng của Bộ Quốc phòng..

Quảng Trị ghi nhận 47 người chết và mất tích vì mưa lũ

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, đến 9 giờ ngày 18/10, toàn tỉnh đã ghi nhận 20 người chết, 27 người mất tích. 

Những người mất tích tập trung chủ yếu ở hai điểm sạt lở đất nghiêm trọng gồm: Thôn Tà Rùng, xã Húc và tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa. Ngoài ra, tỉnh còn có 12 người bị thương.

Sáng 18/10, lũ trên các sông ở Quảng Trị đang xuống chậm. Trước đó, trong đêm 17/10, lũ trên các sông ở Quảng Trị phổ biến xấp xỉ báo động 3 đến trên báo động 3. 

Riêng Sông Thạch Hãn tại thị xã Quảng Trị đạt 7,4m vượt báo động 3 là 1,40. Sông Hiếu tại thành phố Đông Hà đạt 5,35m vượt báo động 3 là 1,35 m - vượt đỉnh lũ lịch sử 1983 là 0,7m.

Địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể, 80 trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn trên địa tỉnh bị ngập lụt. 

Những địa phương đã bị  ngập  trong nước lũ gồm: Thành phố Đông Hà có tất cả 9 phường đều có nhà bị ngập lụt. Tại hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị, hầu hết các xã, phường, thị trấn đều bị ngập lụt sâu trên diện rộng. Tỉnh có gần 42.000 hộ với trên 148.000 người bị ngập lụt. 

Hơn 8.200 hộ với trên 24.500 người đã được sơ tán đến nơi an toàn. Tỉnh có trên 1.300 ha ao hồ nuôi thủy sản, hơn 2.5700 ha rau màu, cùng hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị ngập lụt và nước lũ cuốn trôi.

Mưa lũ đã khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở gây tắc đường. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung di dời người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời chi viện nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân ở vùng bị cô lập.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại cuộc họp

 

Khẩn trương cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm tuyệt đối an toàn

Sáng 18/10, Bộ Quốc phòng tổ chức họp triển khai các biện pháp tìm kiếm, cứu nạn và bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại các tỉnh miền Trung. 

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì cuộc họp đã chỉ đạo về vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) khiến hơn 20 cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại khu vực đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị mất tích rạng sáng 18/10. 

Đại tướng Ngô Xuân Lịch giao cho Quân khu 4 phối hợp với các đơn vị chức năng địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn..

Kích hoạt cảnh báo rủi ro cấp độ 4

Sáng 18/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp bàn các phương án ứng phó với mưa lũ miền Trung. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến chủ trì cuộc họp.

Hiện nay, lũ đã vượt lịch sử và mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực Trung Bộ, đặc biệt mưa lũ, sạt lở tại Quảng Trị còn diễn biến phức tạp và khó lường.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, việc kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất lên cấp 4, mức cảnh báo gần cao nhất để huy động sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân.

Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến yêu cầu các địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện Điện của thường trực Ban Bí thư đảm bảo thiết thực, hiệu quả; tiếp tục triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.

Chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương.

Tiếp tục tổng hợp, đánh giá thiệt hại do mưa lũ và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp; rà soát xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ về lương thực, thuốc, hóa chất xử lý nước, khử khuẩn, xử lý môi trường và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Duy trì tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương và phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

 

.

Nguồn: Chinhphu.vn