Gia đình xã hội
Đề xuất hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, đối tượng hỗ trợ gồm: 1- Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; người nước ngoài bị mua bán được trao trả qua Việt Nam; 2- Người trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân theo quy định tại Điều 24, Điều 25 của Luật Phòng, chống mua bán người hoặc người trong thời gian chờ xác minh nhân thân, để cấp giấy tờ nhân thân; 3- Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân.
Nạn nhân theo quy định trên là đối tượng được bảo vệ khẩn cấp và cung cấp dịch vụ khẩn cấp theo khoản 2 Điều 6 và khoản 1 Điều 7 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP và khoản 2 Điều 25 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật, được hỗ trợ ban đầu như sau: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu gồm tiền ăn, cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt cá nhân thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Hỗ trợ y tế: nạn nhân được thăm khám sức khỏe thông thường. Nạn nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Trường hợp nạn nhân bị ốm nặng vượt quá khả năng cung cấp của cơ sở phải chuyển đến cơ sở y tế điều trị, chi phí khám bệnh và chữa bệnh tại cơ sở y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Trường hợp nạn nhân chết, sau 24 giờ, kể từ khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền mà thân nhân không đến kịp hoặc không có điều kiện mai táng thì cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân hoặc cơ sở trợ giúp xã hội khác có trách nhiệm tổ chức mai táng. Chi phí giám định pháp y, chi phí mai táng thực hiện theo quy định đối với đối tượng tại các Trung tâm bảo trợ xã hội.
Hỗ trợ tâm lý: Nạn nhân được tư vấn, tham vấn ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cơ sở trợ giúp xã hội khác. Đối với nạn nhân là người chưa thành niên, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân hoặc cơ sở trợ giúp xã hội khác có trách nhiệm liên hệ, đánh giá về mức độ an toàn đối với nạn nhân trước khi đưa nạn nhân trở về gia đình hoặc nơi cư trú.
Hỗ trợ đi lại: Nạn nhân trở về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cơ sở trợ giúp xã hội khác được cơ quan chức năng bố trí người đưa đi và được chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường, tiền đi lại theo giá phương tiện công cộng phổ thông. Trường hợp nạn nhân không có khả năng tự trở về hoặc cần bảo đảm an toàn cho nạn nhân thì cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện hoặc cơ quan Công an, Bộ đội biên phòng có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho nạn nhân khi trở về nơi người thân thích cư trú.
Bên cạnh đó, nạn nhân sẽ được hỗ trợ phục hồi, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn: Chinhphu.vn