Gia đình xã hội

Không được lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

08:16, 07/10/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Từ thời điểm bắt đầu xuất hiện ở địa bàn tỉnh Nghệ An cho đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát ở hầu hết các huyện, thành phố, thị xã và vẫn đang diễn biến phức tạp. Công tác phòng, chống dịch tại các địa phương dù đã được triển khai quyết liệt, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Người dân nên chọn lựa thịt lợn an toàn, đã qua kiểm dịch
Người dân nên chọn lựa thịt lợn an toàn, đã qua kiểm dịch

Tính đến 9 giờ ngày 2/10/2019, đang có dịch tả lợn châu Phi ở 20 huyện với 217 xã, 10.883 hộ thuộc 1.086 xóm. Hiện, dịch đang diễn ra nhiều nhất là tại các địa phương: Quỳnh Lưu (19 xã),  Đô Lương (26 xã), Thanh Chương (17 xã), Yên Thành (39 xã), Diễn Châu (28 xã), TP Vinh (10 xã phường)...  Tổng số đàn lợn phải tiêu hủy đã lên tới 49.675 con, tổng trọng lượng 2.289.691 kg. Nghiêm trọng hơn, tại một số địa phương, dịch đã và đang có nguy cơ xóa sổ các trang trại như ở huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, gây thiệt hại về kinh tế lên tới hàng tỉ đồng khiến công tác chăn nuôi của các hộ dân gặp khó khăn, đình trệ. Từ ngày 1 - 2/10/2019, dịch tái phát  và phát sinh thêm tại 11 xã, trong đó có 1 xã thuộc huyện Nghĩa Đàn và các hộ mới ở các xã đang có dịch. Trên địa bàn tỉnh chỉ có TX Cửa Lò là chưa có dịch. Do tình hình dịch bệnh, người dân có xu hướng nghi ngại, tránh tiêu thụ những sản phẩm từ lợn, dù cho thịt lợn đã được kiểm dịch, an toàn.

Tại địa bàn TP Vinh, sau chưa đầy một tháng công bố hết dịch (19/8), đã có một số phường, xã tái dịch. Các địa phương đang có dịch bao gồm: Nghi Liên, Nghi Kim, Hưng Đông, Đông Vĩnh, Hưng Chính, Cửa Nam, Vinh Tân, Hưng Dũng, Nghi Đức, Nghi Phú và Nghi Ân. Nguyên nhân khiến dịch bùng phát mạnh là do ảnh hưởng từ đợt mưa lũ vừa qua khiến nguồn nước có mầm bệnh xâm nhập vào các địa phương vùng ngoại thành. Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch tại một số phường xã còn mang tính chất đối phó, vẫn còn tình trạng bán thịt lợn tại lòng, lề đường, vỉa hè...

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ra Công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị huy động mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời điểm hiện nay và thời gian tới. Các huyện, xã nơi có dịch yêu cầu thực hiện bao vây ổ dịch, cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn đang xảy ra dịch. Thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, phát hiện sớm, báo cáo và xử lý, tiêu hủy lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh trong vòng 24 giờ.

Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm soát việc giết mổ, kinh doanh các sản phẩm từ lợn trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lập các chốt kiểm dịch nhằm ngăn chặn, kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật, các sản phẩm từ động vật ra vào trong địa bàn. Đối với các địa phương chưa có dịch cần phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, tiêu độc không để lây nhiễm vào địa phương; chủ động các phương án để kịp thời xử lý trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.

Để phòng ngừa dịch tả lợn, các hộ chăn nuôi cần tuân thủ chỉ dẫn, giải pháp phòng dịch. Thực hiện phun tiêu độc, khử trùng đối với các phương tiện chở lợn, những người trực tiếp mua bán lợn và sử dụng nguồn thức ăn, nguồn nước đảm bảo vệ sinh. Khi tái đàn, cần áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp sinh học, chọn lợn giống có nguồn gốc rõ ràng, xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Có như vậy, chúng ta mới có thể khống chế, từng bước đẩy lùi được dịch, giúp người dân nhanh chóng ổn định chăn nuôi.

Nhật Quang

Các tin khác