Thứ Hai, 01/07/2019, 09:32 [GMT+7]

Ngăn chặn các hành vi tham nhũng lợi dụng chức vụ

Được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa 14, Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2019, với nhiều điểm mới đáng chú ý, như mở rộng phạm vi áp dụng một số quy định với khu vực ngoài Nhà nước, hoặc tăng cường các cơ chế kiểm soát, giám sát, ngăn chặn nguy cơ xảy ra tham nhũng, trong đó áp dụng nhiều quy định ngăn chặn các hành vi tham nhũng lợi dụng chức vụ quyền hạn.
 
Với 10 chương và 96 điều quy định cụ thể về các nhóm vấn đề trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, như Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng chống tham nhũng, mở rộng phạm vi đối tượng có trách nhiệm kê khai tài sản, mở rộng phạm vi tài sản phải kê khai, hay các biện pháp xử lý với hành vi tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng đã có những điểm mới hoàn thiện hơn trong quy định các cơ chế ngăn chặn để xảy ra hành vi tham nhũng.
 
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Văn phòng Luật sư Việt Lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: "Việc kê khai tài sản phải công khai, mọi người đều biết, đây là một điểm rất quan trọng."
 
Ngoài ra có những biện pháp xử lý được quy định rất rõ ràng, về xử lý hành chính, xử lý hình sự, trách nhiệm của người đứng đầu. Trách nhiệm của những người đứng đầu ở đây cũng sẽ gắn liền với cái việc trong cơ quan có người vi phạm có hành vi liên quan đến tham nhũng, người đứng đầu cũng sẽ bị trách nhiệm, và nếu họ vi phạm thì họ sẽ bị tăng nặng.
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bấm Play để xem Video (Độc giả cần mở loa để nghe lời bình)

Bên cạnh vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu, Luật cũng đã giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng cho các cơ quan chuyên trách, như kiểm toán Nhà nước và Thanh tra, tuy nhiên, nhìn từ thực tế một số vụ việc trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua, đã và đang cho thấy, cần có những chế tài cụ thể hơn nưa để ngăn chặn nguy cơ xảy hành vi tham nhũng một cách hiệu quả. 
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy cho biết: "Quan điểm của tôi cũng đề nghị nên quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra, giám sát, nếu họ không hoàn thành trách nhiệm. Bên cạnh đó, cùng với cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, cũng cần quy định cụ thể hơn về việc khen thưởng, khen thưởng thực tế để phát huy hiệu quả hơn trong công tác phòng chống tham nhũng."
 
Ông Nguyễn Mai Bộ, ĐBQH tỉnh An Giang cho biết: "Hiện nay có một cái rất yếu trong cơ chế là giao nhiệm vụ và kiểm soát việc thực hiện việc nhiệm vụ của cán bộ công chức. Ví dụ công việc A thì anh giao cho ai, đến khi nào xong, và chưa xong thì làm gì, còn họ làm như thế nào thì đó là cái năng lực của họ, chúng ta chưa mạnh dạn để thay cái cán bộ có năng lực kém, chưa mạnh dạn chỉ thẳng mặt anh có năng lực nhưng ý thức kém, đạo đức tồi. nên anh lợi dụng việc đó anh gây khó khăn cho dân."
 
Theo thống kê của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, năm 2018, kết quả cho thấy tình trạng tham nhũng vặt, phí bôi trơn đã giảm so với năm trước. Tuy nhiên, vẫn có 55% doanh nghiệp phải trả khoản chi không chính thức, và khoảng 7% doanh nghiệp phải trả hơn 10% doanh thu cho các khoản phí không chính thức. Và dù 2 năm gần đây tham nhũng đã bắt đầu được ngăn chặn và đẩy lùi, nhưng cứ 10 doanh nghiệp thì có hơn 5 doanh nghiêp phải chi trả phí không chính thức, 6 doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, và để giải quyết hiệu quả hơn nữa thực trạng này, Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi được kỳ vọng sẽ là một công cụ pháp lý hoàn thiện trong công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm hành vi tham nhũng lợi dụng chức vụ.
.

Nguồn: ANTV

.