Gia đình xã hội
Hút thuốc lá – thủ phạm gây ra hơn 90% ca ung thư phổi
10:20, 21/07/2019 (GMT+7)
Hút thuốc lá đã và đang trở thành thói quen xấu của nhiều người. Số liệu thống kê chưa đầy đủ, nước ta có khoảng 15 triệu người hút thuốc và hàng chục triệu người phải chịu tác động từ khói thuốc.
Thực tế này đang là mối lo ngại của xã hội. Bởi hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi hiện nay.
Thực tiễn chỉ ra, ở nước ta, ung thư phổi là một trong những căn bệnh nguy hiểm mà xã hội đang “đối mặt”. Cùng với thời gian, số ca mắc ung thư phổi tăng về số lượng. Ung thư phổi là căn bệnh nan y xếp hàng đầu trong số 10 loại ung thư thường gặp ở cả nam và nữ giới. Nguyên nhân khiến số ca mắc ung thư phổi diễn biến phức tạp như hiện nay không gì khác chính là thói quen hút thuốc lá.
Rảo bước quanh các tuyến phố ở Hà Nội, nhất là khi ghi nhận tại bến xe, bệnh viện, các quán trà đá vỉa hè, không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người phì phèo điếu thuốc lá. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khói thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh, với nhiều bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản…và đặc biệt là ung thư phổi.
Tuyên truyền về tác hại thuốc lá trong trường học. |
Thế giới hiện có khoảng 1,3 tỷ người trưởng thành hút thuốc lá. 80% số người hút thuốc sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Sử dụng thuốc lá gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Theo ước tính ở Hoa Kỳ, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư.
Trong thế kỷ XX, đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm, thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó có 600 ngàn người chết do các bệnh gây ra bởi sự phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động (hút thuốc thụ động). Có tới 80% số ca tử vong là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới dự báo, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ XXI, tổng số người bị tử vong bởi những căn bệnh do thuốc lá gây ra sẽ lên tới 1 tỷ người.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4% (trung bình hai nam giới có một người hút thuốc). 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động trong nhà. 5 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động tại nơi làm việc.
Nhìn vào số liệu trên cũng như thực tế liên quan đến thói quen sử dụng thuốc lá của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay, có thể khẳng định rằng, thuốc lá đã và đang đe dọa sức khỏe, tính mạng nhiều người. Và đặc biệt đối với trẻ em, việc phơi nhiễm khói thuốc làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, chức năng phổi bị ảnh hưởng dẫn đến kém phát triển.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 40 ngàn người tử vong bởi các bệnh có nguyên nhân bắt nguồn từ thuốc lá. Con số này sẽ tăng lên thành 70 ngàn ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Đáng chú ý, theo điều tra tại Bệnh viện K vào năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2011 cũng cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nam giới tại Việt Nam.
Trần Huy