Thứ Ba, 14/05/2019, 14:20 [GMT+7]

Luân chuyển, điều động cán bộ Đảm bảo 'thực chất, thực người, thực việc'

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác luân chuyển, điều động (LCĐĐ) cán bộ được các cấp, ngành quan tâm thực hiện đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho cả hệ thống chính trị.
 
Xác định công tác LCĐĐ cán bộ là một trong những biện pháp quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02 ngày 15/3/2016 “Về LCĐĐ đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020”. Yêu cầu đặt ra là tạo điều kiện để cán bộ có triển vọng, nằm trong quy hoạch được đào tạo, rèn luyện, thử thách trong nhiều môi trường thực tiễn, tạo nguồn cán bộ lâu dài; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, khó khăn; từng bước điều chỉnh việc bố trí cán bộ hợp lý, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng ngành, địa phương, đơn vị...
Làm tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ góp phần  nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng  và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị (Trong ảnh:  Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân  tại “Bộ phận một cửa” xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên)
Làm tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị (Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại “Bộ phận một cửa” xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên)
Thực hiện Nghị quyết 02, thời gian qua, việc LCĐĐ cán bộ được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, ngành, không chỉ thực hiện một chiều từ tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, trong ngành dọc mà cả từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh, từ ngành này sang ngành khác. Giai đoạn 2014 - 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện LCĐĐ 77 lượt cán bộ. Cụ thể, LCĐĐ từ tỉnh về huyện 44 đồng chí; LCĐĐ, bố trí từ huyện và tương đương về tỉnh 9 đồng chí; luân chuyển từ ngành sang ngành 22 đồng chí.
 
Thực tế thực hiện công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh và các địa phương cho thấy, việc lựa chọn cán bộ để thực hiện luân chuyển đảm bảo tính thận trọng, dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ các điều kiện, yếu tố như cần thay đổi môi trường công tác do năng lực yếu, tín nhiệm thấp; hoặc chưa bố trí đúng năng lực, sở trường... Quá trình thực hiện luân chuyển, cán bộ luôn được cấp ủy theo dõi, giám sát thường xuyên để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhắc nhở khắc phục những điểm yếu. Nhờ vậy, những cán bộ được luân chuyển cơ bản đều phát huy hiệu quả công tác ở các đơn vị, cơ sở được luân chuyển.
 
Điển hình như tại huyện Quỳ Hợp, để công tác LCĐĐ cán bộ đạt hiệu quả cao, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được huyện chú trọng. Cùng với đó, thực hiện tốt việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ giai đoạn 2015 - 2020; đồng thời xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2020 - 2025 đảm bảo tính “động” và “mở”, tránh khuôn mẫu, khuôn cứng… Nhờ vậy, nhiều bất cập, hạn chế như tình trạng trì trệ kéo dài, mâu thuẫn trong nội bộ ở các xã có cán bộ luân chuyển đến cơ bản được khắc phục. Cũng như huyện Quỳ Hợp, Đô Lương cũng là địa phương được đánh giá làm tốt, toàn diện công tác luân chuyển, bao gồm luân chuyển từ cấp huyện về cơ sở, xã lên huyện và luân chuyển ngang giữa các khối cấp huyện. 
 
Bên cạnh những kết quả quan trọng nói trên, công tác LCĐĐ cán bộ vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, đơn cử như “dấu ấn” của một số cán bộ được luân chuyển tại các “điểm đến” vẫn còn khá mờ nhạt; nguyên nhân là do tâm lý “đi nghĩa vụ” hoặc kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế… Liên quan đến cơ chế “hậu” luân chuyển cũng như xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ luân chuyển còn chưa thật sự rõ ràng, yêu cầu đặt ra là hàng năm cần tiến hành đánh giá cụ thể đối với những cán bộ được luân chuyển trên các tiêu chí: Xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, xây dựng khối đại đoàn kết, chăm lo cho đời sống người dân, đảm bảo nền quốc phòng - an ninh vững mạnh.
 
Qua đó có căn cứ, cơ sở để bố trí, phân công công việc thời điểm “hậu” luân chuyển đảm bảo tương ứng với sự cống hiến, đóng góp của cán bộ luân chuyển. Xác định công tác LCĐĐ cán bộ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành với cán bộ luân chuyển, nhất là trong giải quyết các khâu khó, khâu yếu tại các địa phương. Cùng với đó, chủ động xây dựng phương án “đường về” cho cán bộ luân chuyển, để cán bộ luân chuyển yên tâm phấn đấu, cống hiến. 
 
Thực tế cho thấy, nhờ đảm bảo các yếu tố thực chất (không hình thức, chạy theo thành tích), thực người (đúng đối tượng); thực việc (lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo phẩm chất và năng lực)”, công tác LCĐĐ cán bộ thời gian qua không chỉ góp phần tạo nguồn, phục vụ công tác quy hoạch cán bộ mà còn tạo động lực thúc đẩy KT-XH địa phương ngày càng phát triển.
.

Thùy Dương

.