Gia đình xã hội

Chung tay phòng, chống tai nạn đuối nước

09:43, 10/04/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, tai nạn đuối nước ở trẻ em có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã cướp đi sinh mạng của nhiều học sinh, gây tổn thất to lớn đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Việc quan tâm, chăm sóc, bảo vệ an toàn cho các em là trách nhiệm của toàn xã hội và cần sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể.

Chính quyền địa phương cần phải cắm các biển báo nguy hiểm tại các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước như sông, hồ, ao, đập…
Chính quyền địa phương cần phải cắm các biển báo nguy hiểm tại các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước như sông, hồ, ao, đập…

Một ngày trung tuần tháng 3, gia đình cũng như Ban giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Hữu Nghị, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đau đớn khi nhận được hung tin, đó là  vào khoảng 15 giờ ngày 21/3, vụ tai nạn đuối nước đặc biệt nghiêm trọng xảy ra khiến 8 học sinh của trường bị mất tích dưới lòng sông Đà. Mái trường và khu phố Phạm Hồng Thái, nơi gia đình các em sinh sống bao trùm một không khí tang tóc, đau thương.

Trước đó 1 ngày, tại xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, lãnh đạo xã xác nhận trên địa bàn có 2 trường hợp học sinh đuối nước. Theo đó, vào khoảng 14 giờ ngày 20/3, em Ngô Kim Quang, học sinh lớp 9, Trường THCS Đồng Hợp cùng nhóm bạn rủ nhau ra sông Hiếu tắm. Trong lúc tắm, có 3 em bị sụt xuống hố sâu, trong đó em Quang bị thiệt mạng. Chiều cùng ngày, em Hồ Phú Nguyên, học sinh lớp 6, Trường THCS Đồng Hợp cùng nhóm bạn trong trường rủ nhau đi câu cá tại đập Đồng Xượng, xã Đồng Hợp. Sau đó, các bạn ra về còn Nguyên ở lại sau. Đến tối không thấy Nguyên về nhà, gia đình và chính quyền xã ra sức tìm kiếm thì tìm thấy thi thể em ở đập Đồng Xượng.

Đây chỉ là những “lát cắt” đau buồn trong những hình ảnh về nỗi đau do tai nạn đuối nước. Tai nạn đuối nước xảy ra phần lớn thuộc về ý thức của các em học sinh. Chính sự hiếu động, tò mò, thiếu kỹ năng an toàn khi tham gia vui chơi trong môi trường nước đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Ngoài ra, môi trường xung quanh cũng là nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước. Các bãi biển, sông, ao, hồ, đập… không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Song song với đó, là công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em tại gia đình, nhà trường, xã hội còn lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm.

Nghệ An là 1 trong 10 tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học. Thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể cũng đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cũng như tổ chức học bơi với các mô hình và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ. Tuy nhiên, tại các trường học ở nông thôn, miền núi còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Hơn nữa, sự thiếu ý thức của các em học sinh, sự thờ ơ, lơ là từ phía phụ huynh đã dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn về đuối nước.

Ngày 21/3/2019, Uỷ ban Quốc gia về trẻ em đã có Công văn 1123 về tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em. Theo đó, công văn gửi tới tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước và nhấn mạnh một số nội dung. Trong đó, tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão, mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tại địa phương, đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức vào cuối năm 2018, thì mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ bị tử vong do đuối nước. Hầu hết trẻ em bị đuối nước ở ngoài trường học, tại gia đình và nơi công cộng.

 

Phan Tuyết

Các tin khác