Gia đình xã hội

Nuôi chó, cần cảnh giác!

09:42, 09/04/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Từ trước đến nay, chó không chỉ là loài thú cưng, vật nuôi yêu thích của nhiều gia đình mà còn là con vật trung thành, canh giữ tài sản khi chủ vắng nhà. Thế nhưng, loài vật nuôi này cũng đã gây ra không ít phiền toái, thậm chí đe dọa đến tính mạng cho chính chủ nuôi và những người xung quanh.
 
Rước họa từ việc nuôi chó
 
Những ngày vừa qua, dư luận cả nước bàng hoàng chuyện đàn chó nuôi 10 con của gia đình bà Lê Thị An ở thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, trong lúc thả rông đã xông ra cắn cháu bé hàng xóm 7 tuổi trên đường đi học về, khiến nạn nhân phải nhập viện trong tình trạng ngưng tim, mất nhiều máu, đồng tử giãn và tử vong sau đó. Điều đáng nói, phản ánh của nhiều người sinh sống tại khu phố này cho biết, đàn chó này thả rông, cổng nhà không có cửa nên chúng thường xuyên chạy ra ngoài và trước đó, đã từng cắn bị thương rất nhiều người. Ngay sau khi xảy ra sự việc, đàn chó này đã bị bắt, nhốt và đang lên phương án xử lý. Trong một diễn biến khác, Công an huyện Kim Động cũng đang vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm nếu xác định có hành vi vi phạm pháp luật.
Cháu bé 2 tháng tuổi ở Quỳnh Lưu được đưa vào Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An điều trị sau khi bị chó nhà tấn công  vào vùng mặt khi đang ngủ
Cháu bé 2 tháng tuổi ở Quỳnh Lưu được đưa vào Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An điều trị sau khi bị chó nhà tấn công vào vùng mặt khi đang ngủ
Tại Nghệ An, những câu chuyện đau lòng về việc chủ bị chó tấn công cũng không phải là hy hữu. Cuối tháng 12/2018, cháu bé N.T.K. (SN 2011) trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh bị chó nhà cắn, phải nhập viện trong tình trạng chảy máu nhiều ở vùng mặt như trán, mắt, tai… gây biến dạng khuôn mặt. Sau khi tiếp nhận, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đã kịp thời phẫu thuật, dùng thuốc kháng sinh, chống phù nề, giảm đau, đồng thời cho gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để tiêm phòng dại và uốn ván. Trước đó, các cháu T.T.H.Y. (SN 2017) trú tại xã Nam Sơn, huyện Đô Lương và cháu N.Đ.H. (SN 2015) trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu cũng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị chó nhà nuôi cắn. Các cháu đều bị chó tấn công vào vùng mặt, với hàng chục vết thương, trong đó chủ yếu là các vết thương vùng mắt.
 
Bác sỹ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết, trong 4 tháng cuối năm 2018, Bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho 4 bệnh nhi bị chó cắn. Những trường hợp này chủ yếu là bị chó nhà nuôi cắn, nguyên nhân là do các cháu chưa có kỹ năng phòng vệ, trong khi các bậc phụ huynh lại chủ quan với chính chó của gia đình nuôi. 
 
Vụ việc thương tâm nhất xảy ra vào tháng 6/2016, chị H.T.H. (SN 1978) trú tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên trên đường đi thu mua ve chai về bị con chó thả rông (nghi dại) cắn ở chân, được cán bộ y tế xóm xử lý vết thương và tư vấn đi tiêm phòng dại. Tuy nhiên, chị H. chỉ đến bệnh viện tuyến huyện tiêm phòng uốn ván mà không tiêm phòng dại, sau đó chị tự đi mua thuốc nam về uống, 3 tháng sau thì lên cơn dại rồi tử vong. Tháng 12/2017, H.T.L., học sinh lớp 9 tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong cũng đã tử vong sau một thời gian bị chó nhà cắn nhưng chủ quan, không đi tiêm phòng dại tại các cơ sở y tế. Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh cũng đã có 4 trường hợp tử vong do bị chó mắc bệnh dại cắn.
 
Vẫn phớt lờ các quy định
 
Số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho thấy, toàn tỉnh hiện có gần 520.000 con chó đang được nuôi tại các hộ gia đình nhưng chỉ 20% trong số này được tiêm phòng, đáng quan ngại hơn, đa phần chó nuôi theo dạng thả rông. Luật sư Nguyễn Vinh Diện, Văn phòng luật sư Vinh Diện và cộng sự cho biết: Pháp luật hiện hành có những quy định rất cụ thể dành cho chủ nuôi động vật. Cụ thể, Nghị định 05/2007 về phòng, chống bệnh dại đã quy định rất rõ về việc nuôi chó. Theo đó, chủ nuôi chó phải đăng ký với UBND xã, phường; phải xích nhốt hoặc nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.
 
Nghị định cũng quy định chủ vật nuôi phải thường xuyên theo dõi vật nuôi. Nếu phát hiện con vật có biểu hiện bất thường hoặc vô cớ cắn, cào người, động vật khác thì phải nhốt ngay con vật đó để theo dõi và báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, phường biết. Hiện nay, mặc dù đã có quy định xử phạt chó thả rông nhưng tình trạng nuôi chó, thả rông chó tại các khu dân cư và nơi công cộng vẫn rất phổ biến. Cụ thể, Nghị định 90 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2017 quy định, hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng thì bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. 
 
Trong một số trường hợp khác, vật nuôi là chó gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn, như vụ việc đàn chó 10 con cắn chết cháu bé 7 tuổi vừa xảy ra ở tỉnh Hưng Yên, theo các luật sư thì phải bị xử lý hình sự để làm án lệ răn đe người khác. Cụ thể, hành vi này sẽ bị xử lý theo Điều 295, Bộ luật Hình sự về việc vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động về an toàn ở những nơi đông người. Theo đó, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động về an toàn ở những nơi đông người thuộc trường hợp làm chết người hoặc gây thương tích từ 61% trở lên thì bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, chủ đàn chó cũng phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định của pháp luật.

THIỆN THÀNH

Các tin khác