Gia đình xã hội
Chưa đủ 20 năm đóng BHXH được hưởng quyền lợi gì?
15:21, 02/04/2019 (GMT+7)
Để được hưởng lương hưu khi nghỉ việc, người lao động cần có đơn đề nghị người đứng đầu đơn vị sự nghiệp tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động sau độ tuổi nghỉ hưu cho đến khi đóng BHXH đủ 20 năm. Nếu có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi nếu có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động.
Ông Hồ Hùng đề nghị giải đáp trường hợp sau: Ông A là nhân viên bảo vệ của 1 đơn vị trường học. Thời gian hợp đồng làm việc từ 12/2001, được trả vào lương 21% tiền đóng BHXH. Từ tháng 01/2004 đến nay ông A được tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN tự nguyện từ tiền lương của ông trích ra. Đến tháng 6/2019 ông A đủ tuổi nghỉ hưu (60 tuổi) nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Trường hợp nghỉ việc khi đủ tuổi 60, quyền lợi của ông A được hưởng thế nào? Làm thế nào để được hưởng lương hưu?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định của pháp luật về BHXH qua từng thời kỳ, như: Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ BHXH (có hiệu lực 1/1/1995, hết hiệu lực 15/1/2007); Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 9/1/2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ (có hiệu lực 1/1/2003, hết hiệu lực 15/1/2007); Luật BHXH năm 2006 (có hiệu lực 1/1/2007, hết hiệu lực 1/1/2016); Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực 1/1/2016), thì ông A và đơn vị sự nghiệp công lập nơi ông làm việc là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Trước ngày 1/1/2007, pháp luật về BHXH không quy định hình thức BHXH tự nguyện. Từ ngày 1/1/2007 đến nay, theo Khoản 5 Điều 2 Luật BHXH năm 2006 và Khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 thì ông A là nhân viên bảo vệ theo hợp đồng lao động tại đơn vị sự nghiệp công lập, không thuộc đối tượng tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện.
Thông tin phản ánh của ông Hồ Hùng không kèm theo bản sao hồ sơ, sổ BHXH, hợp đồng lao động của ông A, để kiểm chứng trên thực tế ông A tham gia BHXH bắt buộc, hay BHXH tự nguyện, vì vậy giả thiết, số tiền hàng tháng đơn vị trích ra từ tiền lương của ông A để đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc, chứ không phải để đóng nộp BHXH tự nguyện.
Giả thiết, ông A được tham gia BHXH bắt buộc từ tháng 1/2004, đến tháng 6/2019 ông đủ 60 tuổi và có 15 năm 6 tháng đóng BHXH, thì ông A chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 54 Luật BHXH. Trường hợp này, ông A có thể có đơn đề nghị đơn vị tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với ông sau độ tuổi nghỉ hưu cho đến khi có đủ 20 năm đóng BHXH, để đủ điều kiện hưởng lương hưu; hoặc ông A nghỉ việc nhưng tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi có đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu; hoặc nhận chế độ BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH.
Nếu thông tin đúng như ông Hùng phản ánh, đơn vị trích từ tiền lương của ông A để đóng BHXH tự nguyện cho ông A (không phải để đóng BHXH bắt buộc), tháng 6/2019 ông A đủ 60 tuổi, thời gian đóng BHXH mới có 15 năm 6 tháng. Trường hợp này, ông A được đóng tiếp BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 73 Luật BHXH; hoặc nhận chế độ BHXH một lần theo quy định tại Điều 77 của Luật này.
Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động tại Khoản 1 Điều 187 (về tuổi nghỉ hưu), Khoản 1 Điều 166 (về người lao động cao tuổi) và Khoản 1 Điều 167 (về sử dụng người lao động cao tuổi), để được hưởng lương hưu khi nghỉ việc, ông A cần có đơn đề nghị người đứng đầu đơn vị sự nghiệp tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động sau độ tuổi nghỉ hưu cho đến khi đóng BHXH đủ 20 năm. Nếu có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi nếu có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động
Về chế độ trợ cấp thôi việc, theo Khoản 4 Điều 36, Khoản 1 Điều 187 và Khoản 1 Điều 48 Bộ Luật Lao động, trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu thì người sử dụng lao động không có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc.
Về trợ cấp thất nghiệp áp dụng đối với trường hợp tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm, trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động để hưởng lương hưu, thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Nguồn: Chinhphu.vn