Gia đình xã hội

Quản lý người nghiện 'ma túy đá':

Làm gì để ngăn 'núm ruột' ngáo đá

09:37, 21/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Tác hại ghê gớm của “ma túy đá” (một loại ma túy tổng hợp) là chuyện không còn gì phải bàn cãi. Người sử dụng loại ma túy này trong khoảng thời gian dài dẫn đến bị loạn thần, ảo thanh, ảo giác, tự kỷ, không kiểm soát được hành vi và gây ra nhiều hậu quả đau lòng.

Nguyễn Hoàng Nam - kẻ giết chết bốn người thân trong gia đình trong cơn ngáo đá vừa xảy ra ở TP Hồ Chí Minh và Long An là một minh chứng rõ nét nhất.

Nam là một trong số rất nhiều đối tượng nghiện ma túy sống lảng vảng ngoài xã hội mà theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, có đến 80-90% số người dương tính với chất ma túy được phát hiện không có trong danh sách quản lý tại địa phương. Nghĩa là bên cạnh hơn 22 ngàn con nghiện có trong danh sách quản lý, TP Hồ Chí Minh còn “chứa” rất nhiều con nghiện sống bên ngoài xã hội và có thể gây án bất cứ lúc nào…

Từ thực tiễn, chính quyền địa phương cơ sở rất khó có thể nắm hết số lượng con nghiện trên địa bàn của mình. Con nghiện được phát hiện chủ yếu từ các đối tượng gây án, có biểu hiện gây rối, liên quan đến tệ nạn xã hội…

Một đối tượng đang “phê” ma túy đá.
Một đối tượng đang “phê” ma túy đá.

Còn đối với người bình thường mới sử dụng ma túy hoặc thường xuyên vắng mặt tại địa phương thì rất khó có thể phát hiện, lập hồ sơ quản lý. Qua thực tế cho thấy, người đầu tiên dễ phát hiện ra người nghiện là cha mẹ và người thân của họ. Vậy các bậc phụ huynh phải làm gì khi phát hiện ra con mình bị nghiện?

Theo một hướng dẫn từ Viện Nghiên cứu tâm lý người nghiện ma túy (PSD), đầu tiên nhất là các bậc làm cha, mẹ phải nhìn thẳng vào vấn đề, bình tĩnh xử lý. Nếu lập tức phản đối gay gắt, giận dữ, hăm dọa, quát tháo thì sẽ không nhận được gì ngoài thất bại. Bởi khi đó, người con sẽ im lặng, rụt rè hoặc quanh co, nói dối là mình không sử dụng ma túy.

Còn nếu chúng ta bình tĩnh, khôn khéo, nhẹ nhàng và phân tích tác hại, hậu quả lâu dài của ma túy cho chúng hiểu thì con cái sẽ dễ hợp tác, chia sẻ với mình. Tuy nhiên, phụ huynh cần lựa chọn nói vào thời điểm con mình tỉnh táo, vui vẻ và động viên, giúp đỡ con để vượt qua cạm bẫy.

Tuyệt đối không được trừng phạt con trẻ vì đòn roi không giải quyết được vấn đề, mà chỉ đẩy con trẻ đến thái độ chống đối, cam chịu, thậm chí là thù ghét. Khi đã qua giai đoạn này, điều cần thiết còn lại hãy đưa con mình đến gặp những chuyên gia tâm lý để được tư vấn và sau đó đưa đến ngay trung tâm cai nghiện…

Phương pháp đúng là vậy, nhưng trong thực tế, hầu hết các bậc phụ huynh khi phát hiện con mình sử dụng ma túy đều đùng đùng nổi giận, tiếp theo là dùng vũ lực hoặc giam lỏng con trong nhà, cấm giao du bên ngoài, như kiểu “cai sống”.

Và khi lên cơn nghiện ma túy, có kẻ không thể chịu đựng nổi đã tìm cơ hội bỏ nhà ra đi; một số khác trở nên nổi loạn, gây án với người thân trong gia đình. Chúng tôi đã từng tiếp xúc với khá nhiều tội phạm nghiện ma túy và họ đều cho biết con đường rơi xuống vực thẳm của mình đều bắt đầu như thế.

Nguyễn Ngọc Phúc (ngụ quận 3), kẻ từng có 5 tiền án và nghiện nặng ma túy đá, đã bỏ nhà đi bụi rồi trở thành tội phạm chuyên nghiệp khi bị cha mẹ đánh đập vì phát hiện sử dụng ma túy. Phúc nói, khi “đập đá” xong, người hưng phấn lạ thường, có thể chơi bời thâu đêm suốt sáng mà chẳng buồn ngủ hay thèm ăn.

Nhưng khi thiếu thuốc thì trong người cứ luôn lo lắng, sợ hãi và cảm giác như có sâu bọ bò trong da thịt mình nên rất khó chịu, chỉ muốn “nổ tung” lên thôi. Do vậy mà bằng mọi giá y phải bỏ nhà đi biền biệt và gây án để có tiền mua ma túy…

Cũng giống như Phúc, nhiều đối tượng nghiện ma túy phạm tội khác khi bỏ nhà đi “bụi”, cha mẹ chẳng hề quan tâm sống chết ra sao, mà tuyên bố từ con như là một cách để giải thoát cho mình. Thậm chí, khi người nghiện quay về, cả gia đình, dòng họ chẳng ai thèm nhìn mặt vì sợ bị liên lụy, sợ bị trộm tiền.

Từ đó con nghiện mang lòng thù hận và chúng có thể quay lại để trả thù người thân… gây nhiều bất an cho xã hội như nhiều vụ án đã xảy ra.

Ngược lại, nhiều gia đình khá giả, có địa vị trong xã hội vì muốn bảo vệ thanh danh gia đình hoặc do quá nuông chiều con cái đã  ém nhẹm chuyện con mình bị nghiện.

Thậm chí, họ còn ra sức ngăn cản quyết liệt khi chính quyền địa phương đưa con mình đi xét nghiệm ma túy, cai nghiện bắt buộc… Thế nên mặc dù còn rất nhiều con nghiện đã được gia đình phát hiện nhưng rất ít bậc phụ huynh tự nguyện đưa con mình đi cai nghiện.

Ông Lê Nguyễn Trọng Quốc, Chủ tịch UBND phường Tam Bình (quận Thủ Đức) cho biết: “Hầu hết các trường hợp người nghiện bị phát hiện mới là từ các nguồn thông tin khác chứ ít khi từ sự trình báo của gia đình.

Cũng rất hiếm trường hợp gia đình tự nguyện đưa con cai nghiện tại cộng đồng (trong thời hạn tối thiểu 6 tháng) mặc dù chẳng tốn kém gì cả”. Bên cạnh cai nghiện tại cộng đồng, nhiều trung tâm, cơ sở còn nhận cai nghiện tự nguyện (có tính phí) với thời gian tùy theo thỏa thuận nhưng cũng không được sự quan tâm của các bậc phụ huynh.

Đặc biệt hơn, nhiều cha mẹ vì thương con nên khi nghe con hứa sẽ không “đập đá” đã vội tin lời. Có nhiều người mà chúng tôi tiếp xúc còn hiểu nhầm là chơi “hàng đá” sẽ không bị nghiện như ma túy truyền thống nên không chấp nhận đưa con đi cai.

Trong khi đó, khoa học đã chứng minh, khi nghiện ma túy tổng hợp (gồm các loại ma túy gọi theo tiếng lóng là đá, thuốc lắc, ngọc diên, viên nữ hoàng…) còn khó cai nghiện hơn cả ma túy truyền thống. Bởi người sử dụng ma túy tổng hợp bị tác trọng rất nghiêm trọng đến hệ thần kinh nên ngoài việc sử dụng thuốc còn phải có liệu pháp điều trị tâm lý, trong đó thầy thuốc, người thân và gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc kết hợp để điều trị.

Đầu tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị cai nghiện ma túy tổng hợp để tăng tính hiệu quả hơn cho người nghiện trong giai đoạn hiện nay. Theo thống kê, cả nước có hơn 223 ngàn con nghiện thì khoảng 60% trong số này sử dụng ma túy đá. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, tỷ lệ này là khoảng 85%.

TP Hồ Chí Minh hiện đang rất khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý người nghiện, dẫn đến việc khó đưa người nghiện cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện bắt buộc. Vì vậy, sự thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh trong việc mạnh dạn phối hợp cơ quan chức năng đưa con mình đi cai nghiện không chỉ giúp cho “núm ruột” của mình có thể thoát nghiện, mà còn ngăn chặn tội phạm phát sinh từ “ngáo đá”.

Nguồn: Mã Hải/Báo CAND

Các tin khác