Gia đình xã hội
Nhìn rõ nguyên nhân để phòng tránh
(Congannghean.vn)-Tính đến nay, trên địa bàn cả nước ghi nhận nhiều địa phương bị bùng phát dịch sởi. Với những biến chứng nguy hiểm do sởi gây ra, người dân tránh chủ quan, chủ động tiêm phòng đầy đủ, tạo miễn dịch cộng đồng cho trẻ nhỏ và người thân.
Tiêm phòng là cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh sởi |
Trước đó, vào năm 2014, cả nước đã ghi nhận dịch sởi bùng phát mạnh, làm hơn 100 trẻ tử vong, đến năm 2019 dự báo là năm chu kỳ dịch sởi. Trong khi đó, việc tiêm chủng không đầy đủ cũng khiến dịch sởi quay trở lại. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, từ 1/1 - 10/3/2019, trên toàn tỉnh có 770 ca bị sởi, trong đó có 398 ca điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An; 170 trường hợp tại Tương Dương, Kỳ Sơn 125 trường hợp... Trên địa bàn cả nước đã ghi nhận gần 8.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có gần 900 trường hợp dương tính với sởi, không có trường hợp tử vong.
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, điều kiện thời tiết giao mùa ẩm ướt, thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi để virus sinh sôi, số ca mắc sởi sẽ tiếp tục gia tăng trong 3 tháng đầu năm 2019. Hơn nữa, sự gia tăng giao lưu, du lịch các tỉnh, thành phố thường xuyên biến động dân cư như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa... sẽ khiến cho nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn, khó kiểm soát nếu người dân chủ quan, không chú ý phòng bệnh cũng như không đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch.
Thực tế cho thấy, việc khống chế thành công các dịch bệnh truyền nhiễm là do thực hiện tốt công tác phòng dịch, trong đó có tiêm vắc xin phòng bệnh. Vậy, tại sao vẫn có nhiều trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng và nguy hiểm hơn khi đây chính là nguồn ủ bệnh, mang nguy cơ lây lan cho cộng đồng.
Nghiên cứu y khoa đã đưa ra một khái niệm “Herd Immunity”, tạm dịch là “Miễn dịch cộng đồng”. Nghĩa là khi dân số đạt tỉ lệ tiêm chủng nhất định thì mầm bệnh đó có khả năng gây ra dịch. Loài người đã phải đợi hơn 200.000 năm để đến thế kỷ 18, bác sĩ Edward Jenner tìm ra vắc xin phòng bệnh đậu mùa và ông được phong là ông Tổ của vắc xin nhân loại khi đã cứu được hàng triệu người dân nước Anh khỏi bệnh đậu mùa. Thế nhưng, vì mạng xã hội, vì xu hướng mà nhiều bậc cha mẹ chọn lựa: anti vaccine, rất nhiều trường hợp đau lòng đã xảy ra vì những hậu quả, biến chứng do không tiêm chủng vắc xin sởi. Vì thế, nếu tất cả người dân được tiêm ngừa đầy đủ, toàn bộ cộng đồng sẽ không có khả năng mắc bệnh. Khi tỉ lệ tiêm chủng trong cộng đồng cao, bệnh sởi có thể được loại trừ.
Phân tích dịch tễ bệnh nhân sởi năm 2019 cho thấy, nhóm bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi (chưa đến độ tuổi tiêm phòng) chiếm 24,2%; nhóm bệnh nhân từ 9 đến 11 tháng tuổi chiếm 8%; nhóm bệnh nhân từ 1 đến 5 tuổi chiếm 17,6%; nhóm bệnh nhân từ 6 đến 15 tuổi chiếm 23,4%. Điều đáng nói là có khoảng 90% các trường hợp mắc sởi là do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Theo các chuyên gia, không chỉ ở trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng có thể mắc sởi do chưa mắc sởi bao giờ hoặc tiêm chủng không đầy đủ.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân nên chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi, hoặc trẻ từ 1 - 14 tuổi tiêm vắc xin sởi - rubella đầy đủ và đúng lịch. Bệnh sởi rất dễ lây, khi phát hiện các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo.
Ngoài trẻ em, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ nên chích ngừa trước khi mang thai. Bà bầu có dấu hiệu bệnh sởi nên đến cơ sở y tế khám, theo dõi dấu hiệu của thai để có hỗ trợ y tế kịp thời. Đến nay, điều trị sởi chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ, giảm triệu chứng. Dùng các thuốc hạ sốt, bù dịch, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thân thể. Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vắc xin 3 trong 1 (sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này. Bộ Y tế đã tổ chức 2 chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella tại 88 huyện của 19 tỉnh có nguy cơ cao. Đồng thời tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1 - 5 tuổi cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố từ cuối năm 2018 đến nay.
Biện pháp hiệu quả, lâu dài trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi vẫn là phải tạo miễn dịch cho cộng đồng với sự vào cuộc tích cực của ngành Y tế, các cơ quan chức năng, địa phương và mỗi người dân.
Bùi Hiền - Mai Hậu