Gia đình xã hội
Không có vacxin an toàn tuyệt đối
Bấm Play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh
Thời gian gần đây có nhiều trường hợp trẻ gặp phản ứng phụ khi tiêm phòng vacxin. Đây cũng là 1 trong những vấn đề khiến phụ huynh lo ngại nhất khi cho con đi tiêm phòng.
Đầu năm 2019, ở Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm chủng. Điều này tiếp tục làm dấy lên những nghi ngại về chất lượng của vacxin. Dù vẫn còn nhiều lo lắng, nhưng đa phần phụ huynh vẫn đưa con đi tiêm vacxin vì đây là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của con.
Về nguyên tắc, vacxin phải đảm bảo đủ độ an toàn. Tuy nhiên, thực tế không thể đạt được mức độ an toàn tuyệt đối. Tất cả các loại vacxin đều có thể gây ra phản ứng phụ ở 1 số người.
Những phản ứng phụ thông thường như sưng đỏ vị trí tiêm, sốt nhẹ dưới 38.5. Những phản ứng nhẹ thường diễn ra 1-2 ngày sau khi tiêm và thường là tự khỏi. Tuy nhiên 1 số trường hợp nặng như sốc phản vệ ví dụ như phát ban toàn thân, khó thở, tím tái, nôn, bỏ ăn, sốt cao liên tục dùng thuốc hạ sốt không đỡ, trẻ co giật…
Theo thống kê, tiêm vacxin phòng lao, tỷ lệ phản ứng phụ gặp hạch 100 cháu thì bị 1 cháu, còn tỷ lệ phản ứng sốc phản vệ sau khi tiêm chỉ 1-2 ca/ 1 triệu ca tiêm.
Vì lo ngại những phản ứng không mong muốn xảy ra với con của mình, hiện nay có nhiều bậc phụ huynh chọn giải pháp antivacxin, không tiêm vacxin cho con. Theo bác sĩ Nguyễn Hải Hà – phụ trách tiêm chủng vacxin thì việc các bố mẹ antivacxin là hoàn toàn không nên.
"Miễn dịch cộng đồng" là khi dân số đạt tỉ lệ tiêm chủng nhất định thì mầm bệnh đó khó có khả năng gây ra dịch. Cuối năm 2018, Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ đã công bố tình trạng mất Miễn dịch cộng đồng đã lan sang 18 bang khác nhau của Hoa Kỳ với những bang có tỉ lệ tiêm chủng chỉ 44%. Và khi không đủ 85% dân số tiêm chủng, dịch bệnh sẽ quay lại. Chính vì thế, việc tiêm vacxin không chỉ cần thiết với sức khỏe của mỗi đứa trẻ mà còn tạo ra 1 hệ miễn dịch cộng đồng, tránh cho dịch bệnh quay trở lại.
Vaccine là thuốc chứa các mầm bệnh đã giảm động lực và khi tiêm vào cơ thể của con, cơ thể con sẽ tạo nên miễn dịch thực sự. Và khi con bạn gặp mầm bệnh thật bên ngooài, bé sẽ tự miễn nhiễm hoặc nếu nhiễm thì nhẹ hơn, ít biến chứng hơn so với bé chưa tiêm.
Trước khi cho bé đi tiêm phòng, để tránh những phản ứng phụ cho con, bố mẹ cũng cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bé
- Trong 3 ngày gần đây bé có sốt hay không?
- Nếu là bé sơ sinh thì cân nặng của bé có đủ 2,5 kg chưa?
- Bé có đang bệnh hay không?
Nếu bé có sốt hoặc dưới 2,5 kg thì chưa thể tiêm ngừa được. Nếu bé đang bệnh thì cần nói rõ các triệu chứng để bác sĩ thăm khám và quyết định xem bé có thể tiêm được không.
Mang theo tất cả sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng của bé. Điều này giúp rất nhiều cho bác sĩ khi tham vấn để hỗ trợ phụ huynh lựa chọn phương án chủng ngừa tối ưu cho trẻ tiêm nhắc, tiêm bù các mũi bỏ sót, tiêm thêm những mũi còn thiếu.
Các trường hợp không nên cho trẻ đi tiêm văcxin
- Trẻ co giật hoặc sốc trong vòng 72 giờ sau khi tiêm. Những trường hợp này sẽ không bao giờ được tiêm loại văcxin này lần thứ 2.
- Trẻ đang uống thuốc corticoid với liều ≥ 2 mg/kg/ngày, hoặc ≥ 20 mg/ngày, kéo dài từ 14 ngày trở lên.
- Trẻ đang mắc các bệnh cấp tính nặng hoặc trung bình.
- Trẻ đang sốt ≥ 38,5 độ C.
Nếu trẻ có một trong những điều kiện trên thì sẽ không được tiêm chủng hoặc sẽ trì hoãn đến khi hết bệnh. Nếu bé phải dùng thuốc kháng sinh thì khi dừng thuốc 7-10 ngày mới nên cho bé đi tiêm.
Nguồn: ANTV