Gia đình xã hội
'Kho hàng 0 đồng' - Lan tỏa yêu thương
(Congannghean.vn)-Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “cũ người” nhưng “mới ta”, “Kho hàng 0 đồng” trở thành nơi tập kết quần áo, giày dép cũ của những người “thừa ủng hộ” và cũng trở thành nơi “ai thiếu thì lấy”. Những bộ quần áo, giày dép trong “Kho hàng 0 đồng” cứ vơi đi rồi lại đầy. Bởi, yêu thương được lan tỏa với những tấm lòng biết sẻ chia, thấu cảm với những hoàn cảnh khó khăn…
Các thành viên Nhóm Lan tỏa yêu thương phân loại và sắp xếp quần áo cũ trước khi sắp ngăn nắp, gọn gàng lên kệ |
Thời gian gần đây, việc để tủ đồ gom quần áo cũ với phương châm “Ai cần đến lấy, ai có đến cho” hay “Ai thừa ủng hộ, ai thiếu đến lấy”… thể hiện hành động nhân văn, tinh thần “lá lành đùm lá rách” đang lan tỏa khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tại Nghệ An, một số tuyến đường thuộc TP Vinh rất dễ nhận ra những tủ quần áo “cũ người mới ta” thu hút người lao động, sinh viên đến lựa đồ đem về sử dụng. Tuy nhiên, khác với những ngày đầu xuất hiện, ở các điểm tủ đồ từ thiện, quần áo bị vứt bừa bãi, có thứ bị rơi ở vỉa hè, trông rất nhếch nhác, gây mất mỹ quan thành phố.
Trước thực trạng trên, với những trăn trở, mong muốn làm từ thiện một cách bền vững cùng phương châm “yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi”, các thành viên trong Nhóm Lan tỏa yêu thương đã lập nên “Kho hàng 0 đồng”. Kho hàng tập kết quần áo, giày dép cũ phục vụ cho các CLB, hội nhóm từ thiện cần quần áo cũ đem đến cho các hoàn cảnh khó khăn và các cá nhân có nhu cầu.
Hàng ngày, “Kho hàng 0 đồng” luôn mở cửa, là một gian hàng không có người bán, “khách hàng” thoải mái ra - vào chọn những món đồ mình cần và không phải trả tiền. Những món đồ cũ được giặt giũ thơm tho, xếp gọn ghẽ, ngăn nắp trên các kệ và chia thành từng khu vực theo lứa tuổi, giới tính…, giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn. Đặc biệt, nằm gần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và đối diện với Bệnh viện 115, “Kho hàng 0 đồng” đã thu hút rất đông người nhà bệnh nhân đến lấy đồ.
Bác Hoàng Thị Dung (54 tuổi) trú tại huyện Nam Đàn, hiện đang điều trị tại Bệnh viện 115 chia sẻ: “Vợ chồng tôi muộn con nên dù già rồi nhưng 3 đứa con đang còn nhỏ. Ông nhà tôi (chồng - P.V) lại ốm suốt, đợt này đang phải nằm viện điều trị hơn 10 ngày nay. Mẹ phải chăm bố nằm viện, 3 đứa con ở nhà, đứa lớn chăm đứa bé, thiệt thòi đủ thứ. May nhờ có “Kho hàng 0 đồng”, tôi được chọn nhiều bộ quần áo, giày dép còn mới và sạch sẽ để đưa về cho các con dùng”.
Anh Nguyễn Quốc Huy (SN 1981) trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh - thành viên cốt cán của Nhóm và cũng là chủ nhân của ý tưởng trên, cho biết: Anh tự bỏ tiền túi để thuê mặt bằng 150 m2 mở một siêu thị mini kinh doanh và dành hẳn một nửa diện tích còn lại làm “đại bản doanh” hoàn toàn miễn phí cho “Kho hàng 0 đồng”. Vào đầu năm 2018, lúc mới khai trương, anh Huy và các thành viên trong Nhóm tự mang những bộ quần áo, giày dép của mình đến kho. Hoạt động một thời gian, tiếng lành vang xa, “Kho hàng 0 đồng” nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của người dân địa phương và các tổ chức từ thiện. Thậm chí, có những lô hàng là những bộ quần áo còn mới, sạch sẽ, tinh tươm được gói ghém cẩn thận gửi từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh về tập kết ở “Kho hàng 0 đồng”.
Chị Trần Thị Đàm Mây, điều hành chính của gian hàng tay thoăn thoắt gấp đồ, chia sẻ: “Buổi ngày bận đi làm nên hầu hết các thành viên đều tranh thủ vào buổi tối và những ngày cuối tuần để phân loại thành đồ dùng được và không dùng được. Sau đó, đồ dùng được chúng tôi đem đi giặt sạch sẽ, phơi khô và lại tiếp tục phân loại đồ theo giới tính, độ tuổi rồi xếp lên kệ ngăn nắp, gọn ghẽ để người đến lựa đồ được dễ dàng và nhanh nhất”.
Chị Mây cũng cho biết thêm, việc quyên góp xuất phát từ tấm lòng nên chúng tôi luôn trân trọng số đồ nhận được. Tuy nhiên, có những lúc “giở khóc giở cười” khi nhiều quần áo không còn sử dụng được nhưng vẫn được người cho vô tư “xả” đến Kho hàng. Có những lần, Kho hàng nhận được 16 bì tải quần áo cũ nhưng khi về phân loại chỉ dùng được khoảng 2 bì.
“Chúng tôi mong muốn mọi người bớt chút thời gian sửa soạn lại những áo quần đem tặng. Như thế, người cho hạnh phúc khi được chia sẻ khó khăn với người khác, người nhận sẽ vui hơn vì thứ họ nhận được không đơn thuần là những bộ quần áo mà còn là tình cảm chân thành, yêu thương thực sự từ phía người làm từ thiện”, chị Mây bộc bạch.
Hiện, “Kho hàng 0 đồng” đã mở được một tủ đồ tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Trong thời gian tới, “Kho hàng 0 đồng” sẽ tiếp tục kết nối những tấm lòng nhân ái để nhân rộng mô hình “Kho hàng 0 đồng” ở các bệnh viện, trường học và đặc biệt là ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.
Thu Thủy