Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201903/can-bao-ve-tre-trong-thoi-dai-cong-nghe-so-842347/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201903/can-bao-ve-tre-trong-thoi-dai-cong-nghe-so-842347/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần bảo vệ trẻ trong thời đại công nghệ số - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 06/03/2019, 08:24 [GMT+7]

Cần bảo vệ trẻ trong thời đại công nghệ số

(Congannghean.vn)-Không thể phủ nhận rằng, trong thời đại ngày nay, các sản phẩm như: IPod, iPad, SmartPhone giúp trẻ em nhanh nhạy nắm bắt các công nghệ hiện đại và có tư duy tiến bộ so với những thế hệ đi trước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nó cũng mang lại rất nhiều tác hại và nguy cơ xấu đối với trẻ. Từ thực tế đó, việc bảo vệ trẻ trong thời đại công nghệ số là vấn đề đã, đang được rất nhiều bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Thử thách tự sát Momo đang bị chèn vào các video có hại cho trẻ em  - Ảnh: internet
Thử thách tự sát Momo đang bị chèn vào các video có hại cho trẻ em - Ảnh: internet
Những ngày gần đây, thông tin về loạt video đội lốt hoạt hình thu hút trẻ em trên YouTube đã khiến mọi người hết sức hoang mang, lo lắng bởi tính an toàn thông tin cho con trẻ. Trong khi phụ huynh ở các nước, trong đó có Việt Nam đang tích cực chia sẻ để cảnh báo, phòng ngừa và tìm giải pháp bảo vệ trẻ thì đã xuất hiện hậu quả nghiêm trọng: Tại nước Anh, 1 bé gái 5 tuổi tự cắt tóc mình vì bị “tẩy não”, nghe theo lời "dạy" của video trên YouTube. Được biết, trước đó bé gái này đã xem hàng loạt video có chứa hình tượng nhân vật búp bê Momo khá nổi và kỳ dị của Nhật Bản. Trong những video này, búp bê Momo có dấu hiệu chỉ bảo điều xấu cho trẻ em, bao gồm những hành vi như cắt tóc, tự làm bị thương mình bằng dao, bật lửa gas... 
 
Trên thực tế, Momo là một tác phẩm điêu khắc có tên “Chim Mẹ” của 1 nghệ sĩ người Nhật Bản và xuất hiện lần đầu tiên tại đất nước này vào năm 2016. Tuy nhiên, những kẻ xấu đã lợi dụng hình ảnh đó để chèn các video có nội dung độc hại vào các kênh YouTube dành cho trẻ em. Momo là một nhân vật trong trò chơi "Thử thách Momo" có xuất xứ từ nước Anh. Trong đó, 1 người lạ sẽ liên lạc với người chơi thông qua một số điện thoại không rõ nguồn gốc trên ứng dụng Whatsapp. Những đứa trẻ sau đó sẽ bị yêu cầu thực hiện một loạt các thử thách mang tính bạo lực và tự làm hại cho bản thân để đạt được phần thưởng là gặp gỡ nhân vật Momo. Nhiệm vụ cuối cùng sẽ đòi hỏi người chơi phải tự tử. Năm 2018, “Thử thách Momo” bắt đầu xuất hiện khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo sợ. Đỉnh điểm là 1 nữ sinh 12 tuổi ở Argentina đã tự tử vì ám ảnh với thử thách này.
 
Trước sự việc đó, ngày 1/3 vừa qua, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử trực thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông đã yêu cầu Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube phải có hành động cụ thể với các clip hướng dẫn tự sát. Theo đó, Cục yêu cầu Google gỡ bỏ và tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt để các clip có nội dung độc hại trên không tiếp tục xuất hiện trên YouTube; đồng thời, yêu cầu phía Google có bộ lọc, chặn những nội dung hướng dẫn tự sát này xuất hiện trên YouTube thay vì chờ gỡ. Trường hợp người dân phát hiện những đoạn clip có nội dung bạo lực, hướng dẫn tự sát có thể phản ánh đến Cục thông qua “đường dây nóng”. 
 
Sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã góp phần ngăn chặn những thông tin độc hại đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, để bảo vệ trẻ trước trò chơi nguy hiểm như “Thử thách Momo” nói riêng và những thông tin có nội dung độc hại trong thời đại công nghệ số nói chung thì hơn ai hết, các bậc phụ huynh cần ngăn chặn con mình tiếp xúc với những video nguy hiểm. Trong đó, việc kiểm soát các ứng dụng trên thiết bị điện tử và thời gian cho trẻ sử dụng là điều hết sức cần thiết. Giữa cha mẹ và con nên có sự thỏa thuận cụ thể về việc con sử dụng các thiết bị điện tử. Chúng ta nên sử dụng công cụ lọc để ngăn trẻ tải xuống các ứng dụng lạ, có nội dung thông tin không rõ ràng. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh hãy dành thời gian để cùng con cái tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài để giúp con bớt lệ thuộc vào các thiết bị điện tử; hoặc có thể cùng con tìm hiểu, khám phá những trang web hay ứng dụng bổ ích để giúp trẻ phát triển kỹ năng và tránh được những trang web hay ứng dụng xấu…
 
“Thử thách Momo” lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính an toàn thông tin đối với trẻ nhỏ. Việc kiểm soát, ngăn chặn những thông tin có nội dung độc hại thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tuy nhiên, việc hướng con trẻ đến những điều tốt đẹp lại chính là trách nhiệm của những người làm cha mẹ. Vì thế, chúng ta hãy tạo cho con một cuộc sống an toàn, lành mạnh để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện.
.

Ngọc Anh

.