(Congannghean.vn)-Tết đến, Xuân về, khi nhà nhà, người người đang quây quần bên nhau chờ đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới thì các y, bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An vẫn tất bật với ca trực của mình. Niềm vui của họ là đón những công dân tí hon chào đời thật an toàn, khỏe mạnh.
Với các y, bác sĩ, được đón những đứa trẻ đêm giao thừa là niềm vui, may mắn trong năm mới |
Giao thừa trong bệnh viện
17 năm trong nghề, điều dưỡng Ngô Thị Thu Hường không nhớ nổi mình đã làm bà đỡ cho bao nhiêu đứa trẻ. Thế nhưng tất cả đều có chung một cảm xúc, đó là hồi hộp và xúc động khi được cùng các sản phụ trải qua giây phút thiêng liêng, quan trọng đón những sinh linh chào đời. Với chị, được đỡ những em bé đỏ hỏn chui ra khỏi bụng mẹ, ca đẻ “mẹ tròn con vuông” là niềm hạnh phúc khó thể diễn tả thành lời.
Chừng ấy năm công tác, chị Hường đã không ít lần tham gia kíp trực vào đêm giao thừa và dịp Tết Nguyên đán. Vẫn chừng ấy công việc nhưng ca trực vào đêm giao thừa lúc nào cũng trở nên vất vả và áp lực hơn. Bởi, ngoài công việc thì họ vẫn là những người phụ nữ của gia đình, là vợ, là mẹ nên cũng không khỏi chạnh lòng, xao xuyến khi ở ngoài kia nhà nhà, người người đang sum vầy bên nhau, chuẩn bị mâm cúng giao thừa, chờ đón khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới.
Thế nhưng, trong những bộn bề, vất vả ấy, họ lại có niềm vui, hạnh phúc riêng mà ít nghề nghiệp nào có được. Đó là được nghe tiếng khóc chào đời của con trẻ, đón những công dân đầu tiên của năm mới, tất cả tượng trưng cho một sự khởi đầu may mắn mà những thiên thần nhỏ mang lại. ”Vượt cạn” là khoảnh khắc thiêng liêng của người phụ nữ. Sau 9 tháng mang thai, trải qua những cơn đau như chết đi sống lại, những bà mẹ lả đi vì mệt và đau đớn. Nhưng chỉ cần đặt đứa trẻ vào vòng tay mẹ, nghe tiếng con khóc chào đời, họ lại nở nụ cười mãn nguyện đầy hạnh phúc. Có niềm vui hạnh phúc nào hơn thế và còn gì xúc động hơn khi được đồng hành với các sản phụ trong những giây phút đó. Càng tuyệt vời hơn khi em bé chào đời vào thời khắc năm mới. Không chỉ gia đình sản phụ mà cả kíp trực, cả bệnh viện đều phấn khởi, xúc động lạ thường. Những lúc đó, sự tủi thân, chạnh lòng vì không được ở bên gia đình khi giao thừa cũng vơi đi hết”, chị Hường chia sẻ.
Niềm hạnh phúc của người mẹ khi gặp đứa con đầu lòng |
Năm nào cũng vậy, để đảm bảo nhân lực cho những ca trực dịp Tết Nguyên đán, Bệnh viện sẽ xây dựng kế hoạch trực một cách chu đáo, cẩn thận nhất. Trong đó, chú trọng tăng cường nhân lực, vật lực; bố trí các kíp trực gồm những y, bác sĩ, hộ sinh có trách nhiệm cao, chuyên môn tốt, tất cả luôn trong tư thế sẵn sàng để giúp các sản phụ chuyển dạ được “mẹ tròn con vuông”.
Bác sĩ Hồ Giang Nam, Phó Trưởng khoa Phụ, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: “Mặc dù chia tách 2 khoa là khoa Sản và khoa Phụ, nhưng tất cả y, bác sĩ của 2 khoa đều tham gia chung một kíp trực gọi là trực hệ. Kíp trực này gồm 5 bác sĩ và 10 nữ hộ sinh của 2 khoa, chịu trách nhiệm thăm, khám, theo dõi đẻ, xử lý các vấn đề liên quan đến sản phụ. Cũng như những chuyên ngành khác, đối với kíp trực sản thì bệnh nhân có dấu hiệu chuyển sinh đến bệnh viện lúc nào sẽ đón tiếp lúc ấy”.
Theo các bác sĩ, thường thì tâm lý những sản phụ dự sinh vào dịp Tết và người nhà đều muốn đón giao thừa, ăn Tết xong xuôi mới chuyển sinh. Vì vậy, khi có dấu hiệu chuyển dạ, hoặc các vấn đề bất thường họ mới nhập viện đêm giao thừa. Bên cạnh đó, cũng có một số người muốn sinh con vào những ngày đầu năm mới, với quan niệm năm mới tượng trưng cho sự khởi đầu mới, nếu con ra đời vào khoảnh khắc đó sẽ mang lại nhiều may mắn, tốt đẹp cho cả đứa trẻ và gia đình.
Theo thông lệ vào đêm giao thừa, Ban Giám đốc Bệnh viện tổ chức chúc Tết, mừng tuổi đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tham gia trực Tết và các sản phụ, bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện từ 20 giờ. Ngoài niềm vui với các sản phụ và em bé, các y, bác sĩ cũng rộn ràng với những mâm cúng giao thừa mà họ tranh thủ cùng nhau chuẩn bị trong những phút giây rảnh rỗi. Mâm cúng đơn giản với bánh chưng, kẹo, mứt… Ngoài ra, các nữ hộ sinh còn chuẩn bị thêm bánh ngào, bánh trôi làm sẵn từ ở nhà để mâm cúng thêm đủ đầy.
Dốc hết sức cứu chữa bệnh nhân
Bên cạnh niềm vui đón những em bé chào đời khỏe mạnh thì cũng có những sự cố không mong muốn xảy ra khiến đội ngũ y, bác sĩ phải nhanh trí xử lý, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Dù đã 4 năm trôi qua nhưng các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi vẫn nhớ như in ca trực đêm giao thừa Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, khi 1 sản phụ bị băng huyết ngay trong đêm giao thừa. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Kim Dung (30 tuổi) trú tại phường Cửa Nam, TP Vinh. Chị Dung vừa sinh em bé vào chiều 30 Tết nhưng đến tối hôm đó chị bị băng huyết và được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, mạch không bắt được, có dấu hiệu rối loạn đông máu.
Để kịp thời cứu chữa cho sản phụ, bác sĩ đã chỉ định mổ cấp cứu. Tuy nhiên, lúc này kho máu dự trữ của Bệnh viện không đủ để truyền cho bệnh nhân. Trong tình thế vô cùng nguy cấp, các y, bác sĩ, nhân viên trong ca trực đêm giao thừa đã tình nguyện hiến máu cho bệnh nhân. Nhờ đó, sản phụ đã được cứu sống kịp thời. Gia đình chị Dung vô cùng biết ơn tinh thần trách nhiệm cũng như tấm lòng của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện.
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Hồ Giang Nam cho biết: “Tai biến sản khoa là điều không ai lường trước trong mỗi cuộc sinh nở. Tuy nhiên, trong mọi tình huống, tất cả chúng tôi đều dốc hết sức lực, tâm huyết để cứu chữa sản phụ, đảm bảo an toàn tính mạng cho mẹ và bé”.
Thế mới biết bên cạnh niềm vui được chào đón những công dân đầu tiên trong đêm giao thừa, các y, bác sĩ cũng canh cánh nhiều công việc chuyên môn khác. Khi năm mới đang gõ cửa từng nhà, người người quây quần bên nhau đón giao thừa thì trong bệnh viện, các y, bác sĩ vẫn gác lại niềm vui riêng, dốc hết tâm sức để cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân.