Gia đình xã hội
Đưa hoạt động đối thoại vào thực chất, có chiều sâu
10:11, 25/02/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đối thoại được xem là giải pháp quan trọng nhất trong giải quyết khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Thông qua đối thoại, sẽ phát huy vai trò của nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, lắng nghe, phục vụ người dân.
Nhiều địa phương đã xem đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội |
Hoạt động đối thoại trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể bằng Quyết định 2924 về Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Mới đây nhất là Công văn số 4063 về Chỉ đạo tiếp xúc với nhân dân. Theo đó, Công văn này yêu cầu các huyện, thành, thị ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền cơ sở với nhân dân. Công văn này yêu cầu các huyện, thành, thị ủy trực thuộc Tỉnh ủy cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền cơ sở với nhân dân, chính quyền cấp huyện với nhân dân.
Trước đó, vào giữa năm 2018, lần đầu tiên, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã gặp mặt với người đứng đầu xã, phường, thị trấn. Việc tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc giữa Thường trực Tỉnh ủy, chính quyền cơ sở cùng hướng đến mục tiêu thống nhất về quan điểm, tư tưởng, hành động trong toàn hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Hoạt động này thể hiện sự ghi nhận của lãnh đạo tỉnh với những cố gắng của các cán bộ ở cơ sở; nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng, mong muốn; thể hiện rõ sự quyết tâm của người đứng đầu Nghệ An nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng về gần dân, tránh quan liêu, hình thức.
Thực tế quá trình lãnh đạo, triển khai, điều hành, thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn đòi hỏi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với nhân dân để trực tiếp lắng nghe ý kiến của bà con về các vấn đề liên quan, qua đó đánh giá được hiệu quả việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phát hiện những bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện…. Từ đó điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Cũng thông qua đối thoại trực tiếp, cấp ủy, lãnh đạo sẽ thấy rõ hơn nhân dân đang quan tâm gì, bức xúc gì, hài lòng việc gì. Đồng thời, góp phần kiểm tra, kiểm chứng được chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống như thế nào, cái gì được, cái gì chưa được để có thể phát huy hoặc điều chỉnh. Với những ý kiến do người dân nêu lên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các phòng, ban thấy rõ hơn trách nhiệm của mình để giải quyết những vấn đề được giao một cách khẩn trương; giúp hạn chế đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Cần phải nhận thấy rằng, việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người dân đã đem lại hiệu quả nhất định, nhưng thực tiễn cơ sở vẫn đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cấp ủy và chính quyền. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp phải có kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân. Có như vậy mới giảm những bức xúc ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Muốn vậy, công tác cán bộ, lựa chọn những người tham gia trực tiếp đối thoại cũng là khâu rất quan trọng. Theo đó, việc lựa chọn những cán bộ giỏi, tâm huyết, có năng lực, phẩm chất làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Mỗi cán bộ, công chức ở lĩnh vực này cần hành động theo phương châm lắng nghe để người dân nói, làm gương để người dân noi theo, tuyên truyền để người dân hiểu, giải thích để người dân tin. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo giá trị và hiệu quả công việc.
Qua thực tiễn cho thấy, đối thoại là cầu nối rất quan trọng, giúp cho việc lãnh đạo của cấp ủy và điều hành của UBND các cấp sát đời sống, gần với dân, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, lắng nghe, phục vụ người dân. Tại Nghệ An, trong thời gian qua, việc thực hiện Kết luận 120 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở" đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Nhiều địa phương, đơn vị trở thành “điểm sáng” trong triển khai tại cơ sở. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh nhiệm vụ này, trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư, cần tiếp tục tạo điều kiện cho nhân dân tham dự các cuộc tiếp xúc với đại biểu dân cử nhiều hơn, khuyến khích thẳng thắn góp ý kiến xây dựng Ðảng, chính quyền, chất vấn sâu các vấn đề, nhất là lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị..., từ đó phát huy hiệu quả thực chất công tác đối thoại, tránh hình thức, lãng phí.
Tuệ Trang