(Congannghean.vn)-Nhường đất ở, đất sản xuất cho dự án Nhà máy Thủy điện Hủa Na, huyện Quế Phong đã hơn 6 năm, song đến nay người dân tái định cư (TĐC) Nhà máy Thủy điện Hủa Na vẫn chưa được giải quyết đền bù, hỗ trợ liên quan đến đất đai. Đại diện Công ty Thủy điện Hủa Na cho biết, đã chuyển hết số tiền đền bù cho huyện Quế Phong, trong khi Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện này cho rằng đang gặp khó khăn khi giao đất.
Nhà máy Thủy điện Hủa Na đã hoạt động từ năm 2013 đến nay, là nhà máy thủy điện lớn thứ 2 ở tỉnh Nghệ An |
Anh Vi Văn Huyền trú tại bản Huôi Siu - Huôi Lạn, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong cho biết: “Trước đây, gia đình tôi ở bản Huồi Muồng, xã Đồng Văn, huyện Quế phong. Sau khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na thì chuyển về Huôi Siu - Huôi Lạn đã hơn 6 năm. Tuy nhiên, đến nay gia đình tôi vẫn chưa nhận đất sản xuất lúa nước và cũng chưa được nhận tiền hỗ trợ đất sản xuất”.
Theo anh Huyền, không chỉ gia đình anh mà nhiều hộ dân khác ở bản TĐC Huôi Siu - Huôi Lạn cũng chưa nhận đất sản xuất lúa nước. Nguyên nhân là do đất sản xuất lúa nằm khá xa so với nơi ở, đường đi lại rất khó khăn, bất tiện cho việc sản xuất nông nghiệp. Theo tính toán của Hội đồng bồi thường GPMB huyện Quế Phong, giá trị đất nông nghiệp của gia đình anh Huyền đã giao cho dự án Nhà máy Thủy điện Hủa Na là hơn 114 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên vấn đề trên, ông Vi Văn Thắng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB huyện Quế Phong cho biết: Năm 2017, Hội đồng bồi thường GPMB nhận được đơn phản ánh về việc đền bù, hỗ trợ đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gồm Vi Văn Quỳnh, Vi Văn Phẩm và Lương Văn Phương ở bản Huôi Siu - Huôi Lạn. Đây là các hộ chuyển từ bản Huồi Muồng, xã Đồng Văn về khu TĐC Huôi Siu - Huôi Lạn.
Theo ông Thắng, cách tính toán hỗ trợ đất sản xuất nông nghiệp của Hội đồng bồi thường GPMB huyện Quế Phong là tổng số đất nông nghiệp nơi đi (đã giao cho dự án Nhà máy Thủy điện Hủa Na) sẽ được giao bằng số đất nông nghiệp nơi đến (bản Huôi Siu - Huôi Lạn), nếu nơi đến người dân chưa được nhận đủ đất nông nghiệp thì sẽ được đền bù tiền bằng với số đất đang thiếu. Tuy nhiên, đến nay, cả 114 hộ dân ở bản Huôi Siu - Huôi Lạn vẫn chưa nhận số đất sản xuất nông nghiệp chứ không riêng gì 3 hộ dân nói trên.
Lý giải tình trạng này, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB huyện Quế Phong thừa nhận, hiện đã khai mở được hơn 4 ha đất sản xuất lúa nước nhưng khi giao đất người dân không nhận vì nằm cách xa nơi ở (khoảng 6 km). Mặt khác, đường đi lại đến nơi sản xuất lúa cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhiều tràn, cầu qua suối bị hư hỏng, chưa sửa chữa được.
Được biết, Nhà máy Thủy điện Hủa Na xây dựng trên sông Chu, có công suất thiết kế là 180MW, bao gồm 2 tổ máy, nhiệm vụ chính là cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm 716,9 triệu kWh. Nhà máy này còn tham gia phòng lũ cho hạ lưu với dung tích chứa lũ 100 triệu m3, bổ sung nước mùa kiệt cho hạ du và tăng thêm cho Thủy điện Cửa Đạt 20,1 triệu kWh/năm và 7,4MW công suất đảm bảo.
Dự án Nhà máy Thủy điện Hủa Na do Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na (PV Power HHC), trực thuộc PV Power làm chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư và thực hiện theo cơ chế 797-400 tại Văn bản số 129/TTg-CN ngày 19/1/2006 nằm trên địa bàn xã Ðồng Văn, huyện Quế Phong. Tổng mức đầu tư dự án gần 7.000 tỉ đồng. Nhà máy khởi công xây dựng vào tháng 3/2008, đến ngày 1/2/2013, Tổ máy số 1 đã hòa lưới điện và Tổ máy số 2 vào ngày 27/3/2013. Hiện nay, nhà máy đã phát điện an toàn và hòa lưới điện quốc gia, trung bình mỗi ngày phát lên lưới điện quốc gia hơn 2 triệu kWh điện.
Thủy điện Hủa Na là nhà máy có công suất lớn thứ 2 ở Nghệ An, sau Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. Mặc dù đã hơn 5 năm đi vào hoạt động, song đến nay việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người dân nhường đất xây dựng nhà máy vẫn chưa xong. Đa số người dân mới nhận nhà, đất ở, còn đất sản xuất nhiều nơi chưa giải quyết được. Theo người dân, so với nơi ở cũ, đất sản xuất nơi ở mới phải đi xa, đường đi lại khó khăn, đất bạc màu nên không ai muốn nhận. Điều đó đã ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống của người dân TĐC, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, hàng năm vẫn phải nhận gạo hỗ trợ từ Nhà nước.
Cho rằng đất sản xuất nông nghiệp được giao nằm cách nơi ở khá xa nên gia đình anh Vi Văn Huyền và các hộ dân khác không muốn nhận đất |
Anh Vi Văn Huyền cho biết, nếu vẫn chia đất làm lúa như hiện nay thì gia đình anh nhất quyết sẽ không nhận mà yêu cầu Hội đồng bồi thường GPMB huyện phải đền bằng tiền mặt bằng giá trị đất đã giao. Trong khi đó, ông Vi Văn Thắng cho biết thêm, sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân nhận đất, dù biết sẽ rất khó thuyết phục.
Có thể thấy, việc người dân bản Huôi Siu - Huôi Lạn từ chối nhận đất sản xuất nông nghiệp do Hội đồng bồi thường GPMB huyện Quế Phong giao như hiện nay là điều dễ hiểu. Bởi, đất ruộng nằm khá xa nơi ở, đường đi lại quá khó khăn, nếu có nhận đất, khả năng sản xuất cũng không đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện tại.