Gia đình xã hội

Muốn cống hiến, tại sao phải 'chạy'…?

10:03, 24/12/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Đúng là khó hiểu, về lý thuyết mà nói thì cán bộ, đảng viên là lực lượng tiên phong của cách mạng, họ là những người có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước, vì nhân dân mà phục vụ…
 
Thế nhưng vẫn có hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” của một bộ phận cán bộ, đảng viên khiến dư luận phải đặt câu hỏi: "Nếu họ là những người muốn đóng góp cho xã hội tại sao lạị phải chạy”, không nhẽ họ chạy để được cống hiến…? Quả là không dễ để lý giải thỏa mãn cho tất cả mọi người về hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” trong xã hội, có lẽ, chỉ những người trong cuộc “chạy” này mới có lý do thỏa đáng cho những hành vi của họ. Đúng là kỳ lạ, lương thấp, áp lực trách nhiệm không nhỏ, tại sao người ta vẫn “chạy”  việc vào cơ quan Nhà nước và sau đó là “chạy chức, chạy quyền”. Điều gì đã đem lại sự "hấp dẫn" và "sức hút" kỳ lạ đến vậy?
Tranh minh họa. (Nguồn: hoinhabaovietnam.vn)
Tranh minh họa. (Nguồn: hoinhabaovietnam.vn)
Câu hỏi này khiến người ta nhớ đến câu thơ của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thớt có tanh tao, ruồi đỗ đến - Gang không mật mỡ, kiến bò chi”.
 
Tựu trung lại, chỉ có thể là háo danh, ham địa vị và hám lợi thì người ta mới “chạy chức, chạy quyền” (mới mua quan, bán chức…). Cộng đồng khó có thể thấy hết mọi góc khuất về đặc quyền, đặc lợi… hay những khối tài sản mà quan chức sở hữu như thế nào? Nhưng chỉ nhìn bề nổi về tài sản của một số người có chức, có quyền sử dụng sau khi họ đã nghỉ hưu, thậm chí ngay cả khi vẫn còn đương nhiệm với những tư dinh đồ sộ, biệt thự nguy nga, hay lối sống xa hoa của người thân là vợ (chồng), con cháu… mà báo chí tốn không ít giấy mực phản ánh thời gian vừa qua cũng phần nào giải đáp những câu hỏi của dư luận, công chúng.
 
Báo chí, truyền thông đã đề cập không ít các bài viết phản ánh về hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” những năm gần đây, không những chưa giảm mà còn có chiều hướng tinh vi, phức tạp… Có ý kiến cho rằng: Phải chăng, nạn chạy chức, chạy quyền… suy cho cùng đều là vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm (gia đình, họ hàng, cánh hẩu…) xoay quanh hai chữ “danh, lợi” mà thôi. Nếu không vì “danh, lợi” thì người ta “chạy chức, chạy quyền” để làm gì, hẳn phải có đặc quyền, đặc lợi?
 
Có tác giả đã viết: “Nó như một vòng khép kín của tham vọng cá nhân, đó là dùng tiền để chạy chức - dùng chức để tham nhũng - tham nhũng để có tiền - có tiền để chạy chức cao hơn”. Cũng có ý kiến cho rằng, những quy định, quy trình cũng như văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ hiện nay bên cạnh những mặt tích cực cũng còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế, vẫn còn kẽ hở cho những người cơ hội luồn lách…
 
Có điều, người ta khó lý giải về hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” trong khi Đảng có những quy định khá khắt khe về tiêu chuẩn, năng lực phẩm chất đối với cán bộ và công tác cán bộ; đòi hỏi cán bộ, đảng viên luôn phải là lực lượng tiên phong với gian khó, dám hi sinh quyền lợi của bản thân và gia đình, đặt lợi ích dân tộc, Tổ quốc lên trên hết; phải gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động đời sống, xã hội… với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đó là tinh thần cống hiến trong sáng của người cán bộ, đảng viên chân chính. Nhưng tại sao vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên lại “chạy chức, chạy quyền”?
 
Đúng là khó hiểu, về lý thuyết mà nói thì cán bộ, đảng viên là lực lượng tiên phong của cách mạng, họ là những người có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước, vì nhân dân mà phục vụ…Thế nhưng hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” của một bộ phận cán bộ, đảng viên khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Nếu họ là những người muốn đóng góp cho xã hội tại sao lại phải “chạy”? Không nhẽ họ “chạy” để được cống hiến…? Rất có thể còn có cả những lý do khách quan nào khác khiến người ta buộc phải “chạy” mà chưa hẳn đã vì danh, vì lợi…! Trong đó, cơ chế xin-cho là một trong những mầm mống còn sót lại của thời kỳ bao cấp vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của không ít người. Đôi khi, có những thói quen của số đông trong xã hội lâu dần lại trở thành văn hóa hành vi, và chữ “chạy” vô hình trung cũng vì thế mà hình thành.
 
Nói đến chữ “chạy” có lẽ nó không còn quá xa lạ với nhiều người bởi nó được xem như đã quen với cuộc sống xã hội vẫn đang diễn ra thường ngày, nào là chạy chức, chạy quyền, chạy tiền, chạy tội, chạy dự án, chạy việc làm cho đến chạy trường, chạy lớp… Dĩ nhiên, không phải là tất cả, nhưng có lẽ không ít người từ lúc còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành, họ đã đối diện không ít lần với chữ “chạy” như một hiển nhiên. Có thể kể đến việc “chạy trường, chạy lớp”, không ít các bậc phụ huynh cũng vì mong muốn con em mình được học tập ở những môi trường tốt nhất mà vô tình đã gắn cho con em mình chữ “chạy” ngay từ buổi đầu tới trường, tới lớp.
 
Cá biệt có những phụ huynh liên quan đến cả vấn đề chạy điểm thi tốt nghiệp THPT để rộng đường chọn trường đại học, chọn nghề nghiệp cho con em mình. Họ đã tạo ra tiêu cực trong thi cử, điển hình là những sai phạm điểm thi PTTH năm 2018 mới đây xảy ra ở một số địa phương. Sau khi tốt nghiệp đại học, nghề nghiệp được đào tạo thì người ta lại tìm đến chữ “chạy” để chạy việc làm, chạy công chức, viên chức Nhà nước…, phải tìm kiếm các mối quan hệ thân quen, họ hàng, bạn bè, người cùng quê… để mà nhờ cậy, xin xỏ… Phần lớn, không quên câu "Nhất thân, nhì quen, tam quyền, tứ chế" với tâm lý duy tình “một người làm quan, cả họ được nhờ” đã thôi thúc mọi người tiến dần đến với chữ “chạy”, cho dù lúc đầu có thể chỉ là thói quen ứng xử nhân văn của những người thân quen với nhau chứ chưa hẳn đã là tiêu cực, đã là xấu.
 
Có những thói quen không còn ở trong phạm vi hạn hẹp nhất định, nó trở thành những hiện tượng của xã hội chứ không đơn thuần chỉ là một một vài biểu hiện. Đã có không ít những cảnh báo về dấu hiệu chạy quy hoạch, chạy phiếu tín nhiệm, chạy phiếu bầu, cá biệt có cả những nghi án chạy đại biểu Quốc hội… Đặc biệt, dư luận rất băn khoăn về vấn đề chạy việc làm vào cơ quan Nhà nước, sau đó là “chạy chức, chạy quyền” … Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo hoạt động… kéo theo không ít những vụ án lừa xin việc vào cơ quan Nhà nước xảy ra ở một số địa phương.
 
Nhiều người chưa hẳn đã quên những vụ việc lùm xùm xoay quanh việc “chạy” biên chế giáo viên mầm non ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội với mỗi suất lên đến hàng trăm triệu đồng được báo chí phản ánh... Dư luận cho rằng, xã hội bây giờ cái gì cũng phải “chạy”. Có một vị cán bộ cao cấp về hưu phải thốt lên: ôi giời, trước  đây mình có chức, có quyền thì mọi việc của gia định nếu phải xin giấy tờ của cơ quan công quyền đều hanh thông. Nay về hưu rồi, trực tiếp đi liên hệ giấy tờ các cấp cho gia đình mới thấy thấm thía là "dân bị hành nhiều quá"! Tức là, muốn được việc thì phải “chạy”, phải bôi trơn, dù là những việc nhỏ nhất liên quan đến các cơ quan hành chính. Đương  nhiên, để có một suất công chức, viên chức Nhà nước thì người ta phải mất một số tiền rất lớn để “chạy”.
 
Vấn đề ‘chạy” nói chung và “chạy chức, chạy quyền” nói riêng đã trở thành câu chuyện dài chưa có hồi kết, là vấn đề không của riêng ai. Thiết nghĩ, các cơ quan hữu trách cần xác định rõ nguyên nhân căn cốt để cải cách, đổi mới tận gốc của vấn đề thay vì chỉ khắc phục triệu chứng.
 
Để lựa chọn giải pháp tối ưu về cán bộ và công tác cán bộ, cần nhanh chóng học hỏi và tiếp nhận có chọn lọc mô hình về nền công vụ của một số quốc gia phát triển; sớm có phương án bỏ chế độ công chức, viên chức suốt đời. Có cơ chế cạnh tranh và thu hút nguồn nhân lực bình đẳng giữa khu vực công với khu vực tư nhân là cần thiết. Công khai, minh bạch trong tuyển dụng và bồi dưỡng đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ cũng như sa thải nhanh, gọn, nhẹ.
 
Xác định, mô tả rõ từng vị trí việc làm, gắn trách nhiệm đi đôi với quyền lợi, cải cách chế độ tiền lương, chi trả theo vị trí việc làm, theo chức vụ… hướng đến cơ chế khoán tiền lương, tiền công theo hiệu quả công việc. Phải có công cụ, tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên mang tính định lượng (cân, đong, đo đếm…) được, giảm bớt các công cụ, tiêu chí đánh giá mang định tính (cảm tính, vô thưởng, vô phạt…). Giảm tối đa công tác đánh giá, kiểm điểm cán bộ, đảng viên mang tính hình thức, không thực chất, để rồi ai cũng tốt cả, ai cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… nhưng hiệu quả thực tế thì chưa hẳn đã tương xứng.
 
Để khắc phục "nạn chạy", đã đến lúc phải xây dựng văn hóa từ chức, xem nhẹ chức tước, coi trọng vai trò, trách nhiệm, đề cao sự đóng góp của mỗi cá nhân, mỗi vị trí công tác thực tế đã mang lại những thành tựu, hiệu quả công việc như thế nào cho tổ chức, cho xã hội… Quan trọng hơn, cần thức tỉnh, khơi dậy tự hào đối với cán bộ, đảng viên vì được đóng góp, cống hiến cho xã hội đối với sự phát triển chung của đất nước, vì sự tiến bộ, văn minh và công bằng xã hội - đó là vinh dự lớn lao trong cuộc đời mỗi con người. Mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng tu dưỡng phẩm chất trong sáng, đủ năng lực và uy tín đáp ứng các yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ mới, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân./.

Nguồn: Khắc Trường/Dangcongsan.vn

Các tin khác